"Cải cách hành chính cần tránh hướng chung chung"

Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính cho rằng mục tiêu cải cách hành chính trong giai đoạn tới cần tránh khuynh hướng chung chung.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI, ông Đinh Duy Hòa - Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính Bộ Nội vụ, Giám đốc Dự án hỗ trợ cải cách hành chính - cho rằng cần xác định rõ mục tiêu cụ thể của cải cách hành chính trong giai đoạn tới, tránh khuynh hướng chung chung.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Đinh Duy Hòa.

- Văn kiện trình Đại hội Đảng sắp tới nhấn mạnh đến lĩnh vực cải cách hành chính, theo ông cần đóng góp như thế nào cho dự thảo văn kiện này?

Ông Đinh Duy Hòa: Các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI, trong đó quan trọng là dự thảo Báo cáo chính trị và Cương lĩnh phát triển đất nước, đều đề cập đến nội dung cải cách bộ máy nhà nước trong đó có cải cách hành chính. Điều quan trọng, chúng tôi nghĩ, tầm văn kiện cần xác định rõ mục tiêu của cải cách hành chính trong giai đoạn tới để các văn bản sau trên cơ sở đó cụ thể hóa.

Thứ hai là trên cơ sở mục tiêu như vậy, các văn kiện cần phải đề cập tới những mảng cần phải cải cách và có những định hướng rõ. Theo tôi, cần cố gắng tránh khuynh hướng thể hiện trong các văn kiện ở góc độ chung quá, ai hiểu thế nào cũng được và cách hiểu khác nhau như vậy sau này triển khai sẽ rất khó.

- Cụ thể là như thế nào và ông có thể cho biết khi đặt trong mối tương quan, so sánh giữa hai văn kiện?

Ông Đinh Duy Hòa: Trong cả hai văn kiện đều nhắc đến việc thông qua cải cách, chúng ta hướng xây dựng “một nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.” Điều cần so sánh, đối chiếu là trong dự thảo văn kiện lần này, đã bỏ đi hai cụm từ “dân chủ.” Trước đây, văn kiện Đại hội X đề cập tới việc hướng tới xây dựng “một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh.” Lần này, dự thảo bỏ cụm từ ấy. Theo tôi, đây là việc đúng. Chúng ta cố gắng đừng đưa ra những gì chung chung quá, trừu tượng quá, nghe tưởng là đúng nhưng lúc triển khai vào trong thực tế rất khó.

Ví dụ, cụ thể hóa một nền hành chính dân chủ là ở tiêu chí nào, trên thực tế điều này rất khó triển khai. Đó là điểm bất hợp lý khi xác định mục tiêu. Hoặc quay trở lại trao đổi về các cụm từ “một nền hành chính thông suốt, thống nhất.” Nếu như văn kiện sau này ghi và được thông qua, phải có chỗ nào đó giải thích thế nào là “thống nhất,” thế nào là “thông suốt.” Mỗi thành viên Chính phủ hiểu “thống nhất,” “thông suốt” theo một nghĩa khác nhau sẽ rất khó triển khai chỉ đạo, điều này cần phải được cụ thể hóa. Cương lĩnh phải chỉ rõ điều đó thì mới triển khai được.

- Với góc độ là một chuyên gia về cải cách hành chính, ông nghĩ có tiêu chí nào đặt ra cho cái “thống nhất,” “thông suốt” đó?


Ông Đinh Duy Hòa: Tôi nghĩ đơn giản thôi. Các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định trách nhiệm của từng cấp hành chính. Cái quan trọng của nền hành chính “thống nhất” chính là trên cơ sở pháp luật chứ không phải trên cơ sở những ý kiến chỉ đạo của từng cá nhân riêng lẻ trong nền hành chính.

Chẳng hạn như nghị định của Chính phủ, quyết định Thủ tướng ban hành thì tất cả các cấp hành chính nếu liên quan đến hành chính là phải triển khai, tránh tình trạng có khi cấp Bộ ra một văn bản không triển khai được vì vướng điều nọ, điều kia, sau đó cầu cứu Thủ tướng ra văn bản riêng. Chỗ này cần phải trao đổi để đi đến thống nhất thì mới triển khai được. Văn bản pháp luật phải thể phải được cụ thể hóa để triển khai trong cả hệ thống mới bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt.

Cái “thông suốt” cũng vậy. Để bảo đảm nền hành chính thông suốt thì văn bản pháp luật phải thể hiện rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Tôi nghĩ đó là những điểm hết sức quan trọng cần phải cụ thể hóa để triển khai trong cả hệ thống thì mới bảo đảm được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục