Cải cách hành chính chưa tương xứng với yêu cầu

Đại diện các bộ, ngành cho rằng kết quả 10 năm (2001-2010) cải cách hành chính vừa qua còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu.
Nhìn tổng thể, những kết quả đạt được trong 10 năm qua trong cải cách hành chính còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và mục tiêu chung của Chương trình tổng thể đã đề ra.

Đây là nhận xét chung của các bộ, ngành tại Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Hội thảo do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 6/10, tại Hải Phòng.

Theo đánh giá của ông Đinh Duy Hòa - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ, Giám đốc dự án hỗ trợ cải cách hành chính-UNDP, việc xác định mục tiêu cải cách hành chính 10 năm trước là hơi tham vọng, chưa lường trước những vấn đề cần phải đối mặt.

Mặc dù có được những kết quả tiến bộ, nhưng tốc độ cải cách trong 10 năm qua còn chậm, chưa nhất quán, hiệu quả thấp so với mục tiêu đề ra là đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, kết quả và tiến bộ đạt được không bền vững.

Dẫn chứng về điều này, ông Hòa nêu ra thực trạng hệ thống thể chế thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa khẳng định được số lượng các đạo luật cần thiết trong hệ thống thể chế của Việt Nam khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chưa đổi mới căn bản công tác xây dựng thể chế. Giảm đầu mối trực thuộc Chính phủ, nhưng bộ máy bên trong các bộ, ngành phình lớn, bộ máy chính quyền địa phương thiếu ổn định, thiếu quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Cải cách tài chính công thực hiện mới chỉ là kết quả bước đầu. Các thể chế về cải cách tài chính công không được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế…

Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, 10 năm qua, Chính phủ chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, tư tưởng quyết tâm cải cách hành chính chưa thống nhất cao, sự thấm nhuần về nó còn nhiều vấn đề cần phải bàn và hoạt động tuyên truyền còn hạn chế, nhiều người nhầm lẫn cải cách hành chính với một mảng nhỏ là cải cách thủ tục hành chính. Nhiều bộ, ngành đề xuất phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ công chức nằm trong các cơ quan công quyền thấy cải cách hành chính như là một nhu cầu, tâm huyết, thích và thật sự làm cải cách hành chính, để phục vụ nhân dân và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, có như vậy đội ngũ công chức xã mới quyết tâm, mới hy vọng đạt được tỷ lệ 85% cá nhân, tổ chức hài lòng đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp.

Đóng góp cụ thể vào Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, các đại biểu đề nghị cần xác định mục tiêu kết quả đạt được dưới góc độ định lượng nhiều hơn định tính, không nên quá tham, “vẽ” ra quá nhiều mà không thực hiện được, không nêu những vấn đề quá chung chung.

Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Phương cho rằng giai đoạn tới cần tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi ta đầu tư rất lớn cho công nghệ thông tin nhưng vẫn không thể bỏ được văn bản giấy có đóng dấu đỏ là chưa thành công. Do vậy, cần xây dựng hành lang pháp lý cho chữ ký số, pháp quy hóa việc chữ ký số để tạo thuận lợi về thời gian, tiền bạc và đem lại các giá trị gia tăng khác.

Còn đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhấn mạnh đến việc cải cách dịch vụ công bằng việc tạo cơ chế phù hợp cho đơn vị thực hiện.

Các vấn đề về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức… cũng được các đại biểu đề cập đến trong dự thảo chương trình cải cách hành chính 10 năm tới.

Dự thảo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 chỉ rõ 10 năm qua, cải cách hành chính đã được triển khai toàn diện trên cả 4 nội dung là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công. Kết quả cải cách hành chính đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, dân chủ hóa đời sống xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và duy trì ổn định chính trị./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục