Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển

Thời gian qua, cải cách hành chính đã được triển khai toàn diện, đồng bộ và thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển ảnh 1Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Chu Thanh Vân/Vietnam+)

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, thời gian qua, cải cách hành chính đã được triển khai toàn diện, đồng bộ và thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc trao đổi về vấn đề này.

- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được của cải cách hành chính giai đoạn 5 năm qua?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: 5 năm qua, cải cách hành chính đã đạt được 6 kết quả chủ yếu. Một là, hệ thống thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

Hai là, bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được hoàn thiện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Phân cấp quản lý giữa Trung ương - địa phương tiếp tục được đẩy mạnh triển khai.

Ba là, cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, giảm tiêu cực, phiền hà cho người dân, tổ chức.

Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Năm là, thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách quản lý thu chi ngân sách và quản lý sử dụng tài sản nhà nước từng bước được đổi mới, hoàn thiện và ngày càng phù hợp hơn, qua đó làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện ngân sách.

Sáu là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính đã được đẩy mạnh, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch.

- Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn về kết quả và tác động của cải cách hành chính. Là Cơ quan Thường trực cải cách hành chính của Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, xin Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ có những giải pháp, định hướng gì để cải cách hành chính thực sự hiệu quả, đạt kết quả góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Bộ Nội vụ sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính tại Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính. Các cấp ủy đảng phải lãnh đạo cơ quan chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và thông qua kết quả cải cách hành chính mà xem xét, đánh giá, sử dụng cán bộ, đảng viên.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính Nhà nước.

Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, theo đó, điều chỉnh chức năng của Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh phân cấp Trung ương - địa phương.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80% vào năm 2020;

Năm là, tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn Luật trên cơ sở đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện chế độ công vụ thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát song song với việc tạo dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.

Sáu là, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.

- Thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là Chính phủ liêm chính và kiến tạo phát triển. Xin Bộ trưởng cho biết cần có những giải pháp đột phá gì trong cải cách hành chính để thực sự xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Để xây dựng một Chính phủ kiến tạo sự phát triển, Chính phủ với vai trò là cơ quan thực hiện quyền hành pháp phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Theo đó, Chính phủ không làm thay người dân và doanh nghiệp mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.

Bộ Nội vụ xác định cần phải có những giải pháp đột phá với trọng tâm là cải cách hành chính để xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển như sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính Nhà nước.

Thứ hai, điều chỉnh chức năng của Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và cơ quan hành chính địa phương các cấp trong cải cách hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tăng cường tập trung công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, chịu trách nhiệm hàng đầu về kết quả cải cách hành chính trước Đảng, trước toàn dân.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Thứ năm, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương để giải quyết các công việc về trật tự an ninh, phát triển kinh tế-xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Chính phủ làm mạnh hơn nữa các nội dung bảo đảm tập trung, dân chủ, xây dựng một nền hành chính thống nhất, thông suốt có lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội.

- Thưa Bộ trưởng, Bộ Nội vụ sẽ làm gì để thúc đẩy việc chuyển từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tập trung cải cách công vụ, công chức nhằm nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức viên chức, như cải tiến thi tuyển, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhằm phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn, đáp ứng được sự mong đợi của người dân, tổ chức.

Bộ chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên phạm vi cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng cho người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính và hạn chế sự phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức đối với người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhà nước.

Đồng thời, tăng cường lấy ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức về kết quả cải cách hành chính để giúp cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính thông qua Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường triển khai tuyên truyền cải cách hành chính.

- Để xây dựng một thể chế tốt, như Bộ trưởng nói, cần phải lắng nghe người dân. Vậy, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện việc lắng nghe người dân như thế nào?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Để xây dựng được các thể chế, chính sách tốt, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã và đang lắng nghe người dân thông qua thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan, lấy ý kiến người dân, tổ chức đối với các chính sách mà Bộ Nội vụ tham mưu, xây dựng, để các chính sách phục vụ tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của người dân, tổ chức; công khai, minh bạch thông tin; đánh giá kết quả thông qua khảo sát ý kiến của người dân, tổ chức…

Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục lắng nghe người dân, tổ chức, đặc biệt là tạo điều kiện để người dân, tổ chức có thể nói lên tiếng nói của mình dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả hơn thông qua tham mưu chính sách và tổ chức thực hiện tốt công cuộc cải cách hành chính nhà nước.

- Cốt lõi của một thể chế vì dân là những thủ tục hành chính phải đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhưng ở ta hiện nay, có vẻ như người dân phải đáp ứng được những đòi hỏi của các thủ tục hành chính. Theo Bộ trưởng, điều này có nên thay đổi không và thay đổi theo hướng nào?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, điển hình là việc thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tính đến hết tháng 6/2016, tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa theo quy định tại 25 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ là 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt 95,85%).

Tuy nhiên, hiện nay, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây bức xúc cho người dân, tổ chức và cản trở sự phát triển. Thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính tập trung vào đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính từ việc ban hành đến thực thi trong thực tế.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường việc tự kiểm tra, rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng; triển khai các đề án về cải cách thủ tục hành chính (Đề án 896, Đề án 1299...)

Các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức về việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.

- Trân trọng cảm ơn!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục