Cải cách thị trường lao động và sản phẩm mang lại tín hiệu lạc quan

IMF nhận định việc cải cách thị trường lao động và sản phẩm có thể giúp các nền kinh tế phát triển vượt qua giai đoạn tăng trưởng chậm chạp do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Cải cách thị trường lao động và sản phẩm mang lại tín hiệu lạc quan ảnh 1Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hối thúc các nền kinh tế phát triển triển khai các cải cách về thị trường lao động và thị trường sản phẩm để có thể vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn kéo dài như hiện nay cũng như thúc đẩy tăng trưởng.

Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới " được công bố hai lần mỗi năm, IMF nhận định việc cải cách thị trường lao động và sản phẩm có thể giúp các nền kinh tế phát triển vượt qua giai đoạn tăng trưởng chậm chạp do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thông qua việc tăng sản lượng sản xuất trong các lĩnh vực tiềm năng và nâng cao trình độ của người lao động về trung hạn.

Báo cáo nhấn mạnh "Việc ưu tiên cải cách thị trường lao động và sản phẩm đóng vai trò quan trọng khi mang lại tín hiệu lạc quan trong tình hình khó khăn hiện nay tại nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới."

Báo cáo của IMF cũng nhận định các biện pháp cải cách thị trường lao động mang lại những tác động khác nhau bởi còn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế.

Chẳng hạn các cải cách đòi hỏi sự kích thích tài chính được đánh giá mang tính hiệu quả nhất, trong đó bao gồm việc giảm thuế lao động và tăng chi tiêu công cho các chính sách về thị trường lao động.

Ngược lại, các cải cách liên quan đến việc bảo vệ người lao động và hệ thống phúc lợi của người thất nghiệp chỉ có lợi trong điều kiện kinh tế tốt, nhưng lại "phản tác dụng" khi nền kinh tế còn yếu kém.

Ngoài ra, IMF cũng khuyến cáo các nước phát triển cần ưu tiên cải cách thị trường sản phẩm bởi biện pháp này có thể giúp tăng sản lượng sản xuất bất chấp mọi điều kiện kinh tế cũng như không gây sức ép lên tài chính công.

Liên quan đến các nền kinh tế mới nổi, báo cáo của IMF nhận định việc cải thiện các chính sách sẽ giúp giảm bớt những tác động từ sự sụt giảm của dòng vốn chảy vào các quốc gia này.

Theo IMF, kể từ năm 2010, lượng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi đã giảm liên tục, đặt ra rào cản cho sự tăng trưởng mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân, theo IMF, chủ yếu là do sự thu hẹp khác biệt trong triển vọng tăng trưởng kinh tế giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, việc cải thiện “các khung chính sách" đã phần nào làm giảm đáng kể những tác động của các cuộc khủng hoảng nợ bên ngoài tới các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, lượng dự trữ ngoại hối cao và số nợ ngoại tệ thấp cũng giúp giảm tác động của sự thoái vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục