Cải cách thủ tục hành chính với các dự án đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng những bất cập về thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Ngày 13/9, tại thành phố Đà Nẵng, hội thảo "Giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư" đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo do Ban Cải cách quy định hành chính liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; gần 100 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, luật sư; đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam...

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Hà Hùng Cường khẳng định sau hơn 13 năm thực hiện, cùng với những hoạt động cải cách về kinh tế, pháp luật và tư pháp, công cuộc cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thực hiện các giao dịch, góp phần quan trọng vào những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, cùng với việc hoàn thiện các chính sách, thể chế pháp luật để bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như đất đai, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, cũng đã từng bước được đơn giản hóa, ngày càng gần hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các mô hình dịch vụ công cũng đã được chú trọng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Hà Hùng Cường cũng cho rằng bên cạnh những thành tựu, công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nói chung, trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nói riêng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chi phí tuân thủ còn lớn, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, không chỉ của các nhà đầu tư trong nước mà còn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Những hạn chế, bất cập này, một mặt làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, mặt khác làm cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính" là một trong trong khâu đột phá chiến lược. Tầm quan trọng của vấn đề này tiếp tục được thể hiện qua thông điệp đầu năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó "Thể chế có chất lượng cao với thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đầy đủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, ngăn chặn tham nhũng lãng phí, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế"... Hội đồng tư vấn đã và đang chủ động, tích cực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức vào quá trình cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính...

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; đặc biệt là quy trình thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy trình thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; quy trình thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; quy trình thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư không liên quan trực tiếp đến thủ tục hành chính về đất đai...

Hội thảo đã đề ra một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, trong đó, tập trung thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư theo hướng chuẩn hóa, cụ thể hóa việc lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất; bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư; không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch, các nội dung của giấy phép được yêu cầu ngay trong nội dung của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các đại biểu đề xuất không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính, trích đo địa chính khu đất đối với những khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500... trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; thay thế cam kết bảo vệ môi trường bằng biện pháp yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường để công khai tại nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh và gửi cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho việc theo dõi, kiểm tra.

Các đại biểu cũng đề xuất không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; nghiên cứu, phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo loại dự án, diện tích đất chuyển mục đích nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.

Trên cơ sở kết quả thực thi phương án đơn giản hóa quy định về thủ tục hành chính, sẽ xây dựng, chuẩn hóa và ban hành quy trình thực hiện các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, tập trung trước mắt đối với dự án đầu tư có sử dụng đất để đảm bảo thống nhất trong cả nước./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục