Cái chết của Mozart vẫn còn là một ẩn số

Sau hơn hai thế kỷ, cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Mozart vẫn là đề tài được giới khoa học quan tâm nghiên cứu.
Sau hơn hai thế kỷ, cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart vẫn là đề tài được giới khoa học quan tâm nghiên cứu.

Các biến chứng của bệnh viêm khí quản do nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi là giả thuyết mới nhất về sự ra đi đầy bí ẩn của thiên tài âm nhạc Mozart được các nhà khoa học thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) công bố trên tạp chí "Biên niên sử ngành nội khoa" ngày 18/8.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ tử vong xung quanh thời điểm Mozart qua đời tại Vienna từ 11/1791 - 1/1792 và so sánh với các nguyên nhân tử vong khác trong những năm trước và sau đó.

Kết quả cho thấy vào thời điểm Mozart qua đời, tại Vienna xảy ra một dịch bệnh nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi, gây sốt, sưng phù nề và dẫn tới tử vong, đặc biệt ở nam thanh niên.

Theo những người gần gũi với Mozart được chứng kiến những ngày cuối đời của ông, nhà soạn nhạc thiên tài chỉ phát bệnh không lâu trước khi chết, trong đó có các triệu chứng điển hình như phù nề, đau lưng, sốt phát ban.

Đây là các triệu chứng cho thấy Mozart có thể đã tử vong vì căn bệnh viêm khí quản do nhiễm khuẩn cầu chuỗi dẫn tới viêm cầu thận cấp tính.

Giới khoa học cho rằng mặc dù đây chưa phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của Mozart, song nó rất đáng quan tâm.

Nhà soạn nhạc thiên tài Mozart sinh ngày 27/1/1756 trong một gia đình nhạc sĩ nghèo ở thành phố Salzburg, Áo. Ông được tôn sùng là một trong những người thầy bậc nhất của nền âm nhạc thế giới.

Ngay từ thuở nhỏ, Mozart đã nổi tiếng là thần đồng âm nhạc. Lên 5 tuổi, thiên tài âm nhạc này đã tham gia biểu diễn trong dàn nhạc giáo đường Salzburg cùng cha mình.

Năm 12 tuổi, Mozart đã nhận viết một vở nhạc kịch cho nhà hát Opera ở Vienna. Đến năm 14 tuổi, Mozart đã sáng tác thành công vở nhạc kịch "Vua Mitơriđát xứ Pông" và tên tuổi ông đã vang khắp châu Âu.
 
Suốt từ năm 6 tuổi cho đến gần trọn đời mình, Mozart được mời đi biểu diễn nhiều nước như Đức, Italy, Hà Lan, Pháp, Anh ...

Vĩnh biệt thế giới ngày 5/12/1791 khi mới 35 tuổi, Mozart đã để lại một di sản âm nhạc đồ sộ và vô giá với 626 tác phẩm lớn nhỏ, trong đó có 24 vở nhạc kịch nổi tiếng, 50 bản giao hưởng, cùng nhiều bản ca khúc, hòa tấu.

Tuy nhiên, cái chết của Mozart vẫn còn là một ẩn số đối với giới khoa học do không có một cuộc giải phẫu tử thi nào được thực hiện khi ông qua đời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục