Cái chết của người nổi tiếng bị tin tức giả lợi dụng như thế nào?

Trong số các chiêu trò lừa độc giả để tăng lượng truy cập, chiêu trò có sức hấp dẫn lâu dài đó là trò lừa về cái chết của những người nổi tiếng.
Cái chết của người nổi tiếng bị tin tức giả lợi dụng như thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: digiday.com)

Các chiêu trò lừa độc giả để tăng lượng truy cập không ngừng được sáng tạo ra và cũng không ngừng bị thải loại. Nhưng trong số này nếu nói tới các chiêu trò có sức hấp dẫn lâu dài thì phải nói tới trò lừa về cái chết của những người nổi tiếng.

Theo trang Digiday, chỉ trong vài tuần qua, những kẻ thích đùa trên mạng internet đã "giết" Nữ hoàng Elizabeth, Tony Hawk, Miley Cyrus và Hugh Hefner - đây chỉ là một trong số những trò đùa đã được trang web Gossip Cop cải chính.

Một vài dấu vết của chúng dẫn tới trang web Global Associated News, một máy tạo điểm tin giả mà doanh nhân mạng Rich Hoover cho biết anh đã tạo ra như một trò đùa.

Kể từ đó tới nay, những người khác đã phát hiện ra rằng trò lừa về cái chết của người nổi tiếng là một chiêu bài đã được chứng minh là có hiệu quả để thu hút các lượt truy cập tới trang web của họ để thu tiền từ quảng cáo.

Những câu chuyện giả này đi theo một khuôn mẫu lỏng lẻo: Thường đến từ những trang web có tên gọi nghe có vẻ xác thực, chẳng hạn như Msmbc.co và Nbctoday.co, những câu chuyện này thường tập trung vào những người nổi tiếng trẻ tuổi, phổ biến với nhiều người hâm mộ, những người sẽ bị sốc trước cái chết trẻ của họ, dẫn tới tăng vọt lưu lượng truy cập vào trang web của họ, vốn được chi trả bởi các mẩu quảng cáo có trong trang.

Michael Lewittes, người sáng lập Gossip Cop, cho biết đã có lần ông nhận thấy có tới 2 hay 3 trò lừa kiểu này một tuần. "Eddie Murphy và Adam Sandler đã chết, có lẽ là cùng nhau, 15 đến 20 lần trên mạng Internet," ông cho biết.

Sự nổi lên của các nền tảng và công nghệ quảng cáo đã cho phép sự lan truyền của những tin tức giả về cái chết của người nổi tiếng, cũng giống như đối với các loại tin tức giả khác.

Một số người đã sử dụng Twitter để lừa người khác về cái chết của người nổi tiếng, sử dụng các tài khoản nghe giống như các kênh tin tức có thật.

Sức mạnh của mạng lưới khổng lồ của Facebook và Google, với công nghệ tiên đoán của nó đã cho phép tất cả các loại tin tức giả lan truyền.

Trong một ví dụ đã được lan truyền rất rộng rãi, một mẩu quảng cáo khẳng định rằng Tiger Woods đã chết xuất hiện ngay đối diện một bài viết của Mark Zuckerberg về các nỗ lực của Facebook nhằm xóa bỏ tin tức giả.

Các công cụ gợi ý nội dung của bên thứ ba mà hầu hết các nhà xuất bản tích hợp trên trang web của họ cũng đã bị khai thác để truyền bá các tít bài không những không có thật mà còn chạy tới các trang quảng cáo hoàn toàn không liên quan cho các sản phẩm y tế không đáng tin cậy.

"Những người bán hàng đưa ra các quảng cáo này trộn lẫn các nội dung quảng cáo với nội dung của chính các trang web với những dòng tít giật gân, và người dùng bị lừa và nghĩ rằng tất cả chúng đều là nội dung," Rob Leathern, nhà sáng lập Optimal.com cho biết.

"Sử dụng hình ảnh người nổi tiếng là một chiêu đã được chứng minh rằng có thể cải thiện tỷ lệ phản ứng trước quảng cáo tới một mức độ rất lớn. Mọi người muốn nhấn vào những điều đó, muốn là người đầu tiên chia sẻ chúng."

Trò chơi khăm về cái chết của người nổi tiếng có tác dụng là vì nó tác động tới cảm xúc của con người, điều khiến cho mọi người chia sẻ các bài viết trên mạng, theo ý kiến của Craig Silverman, người đã viết về tin tức giả trên BuzzFeed.

Một tuyên bố về cái chết của Willie Nelson có tới hơn 400.000 lượt chia sẻ, theo nghiên cứu của Silverman; tuyên bố tương tự về Hugh Hefner được chia sẻ gần 200.000 lượt.

"Tin tức giả dựa vào chia sẻ lan truyền," ông cho biết. "Nếu bạn nghĩ về lý do vì sao lại có nhiều ngôi sao bị đồn là đã chết như vậy, bạn sẽ thấy rằng họ thuộc về một phần của văn hóa phổ biến mà mọi người có kết nối tình cảm với đó. Và đó là cốt lõi của điều khiến cho tin tức giả có tác dụng."

Cũng như với mọi loại tin tức giả khác, nghĩ ra các tin tức giả về cái chết của người nổi tiếng là một vấn đề phức tạp.

Sự nổi lên của Internet như một công cụ giao tiếp vừa có lợi vừa có hại cho sự lan truyền của các tin tức giả loại này, theo Bonnie Fuller, chủ tịch kiêm tổng biên tập của HollywoodLife.com.

Giao tiếp này diễn ra ngay lập tức, do đó chính người nổi tiếng có liên quan có thể nhanh chóng cải chính. Mặt khác, mạng Internet cho phép họ nói chuyện với người hâm mộ nhiều hơn, điều này giúp củng cố mối liên kết tình cảm của người hâm mộ với họ. "Điều đó giúp các tin đồn lan truyền nhiều hơn vì người hâm mộ tận tâm hơn tới những người nổi tiếng mà họ quan tâm," chị cho biết.

Facebook và Google đã công bố các bước nhằm ngăn chặn các trang web tin tức giả sử dụng các công cụ quảng cáo của họ, và không để chúng lan truyền trên các nền tảng của họ. Công cụ gợi ý nội dung lớn Outbrain cho biết như một phần của nỗ lực nhằm loại bỏ các nội dung giật gân trên hệ thống của họ, họ đã chặn các kết hợp từ khóa như "người nổi tiếng X phá sản" hay "bạn không biết người nổi tiếng Y đã chết trong năm nay." Nhưng tin tức giả tỏ ra có thể thích nghi được, và các dự án kiểm tra tính xác thực đã và đang bị chỉ trích là thiên vị.

Lan truyền các tin tức giả mạo về cái chết của người nổi tiếng có thể không xoay chuyển kết quả của một cuộc bầu cử, như một số người đã lo ngại với các tin tức giả trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Và những người bảo vệ nó có thể nói rằng không có cách nào là xấu để PR cho một ngôi sao.

Nhưng đối với Lewittes, người tự gọi mình là một nhà báo chuyên mục buôn chuyện cải cách, những câu chuyện như vậy có thể gây ra tổn thương cảm xúc hoặc những thay đổi về nhận thức gây tổn hại tới sự nghiệp.

"Trong khi người làm điều đó nghĩ rằng nó là một trò đùa vô hại mà qua đó họ sẽ được thưởng lưu lượng và doanh thu, thì có một nhược điểm rất lớn," ông nói. "Điều gì xảy ra nếu một người thân nhìn thấy và tin vào điều đó? Đó thực ra là một trò đùa quái ác."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục