Cái giá EU phải trả khi theo đuổi sức mạnh 'địa chính trị'

Chủ tịch EC Ursula Von de Leyen cho rằng châu Âu cần phải quyết đoán hơn trong mối quan hệ với các nước khác, và dứt khoát hơn trong việc theo đuổi những lợi ích của riêng mình.
Cái giá EU phải trả khi theo đuổi sức mạnh 'địa chính trị' ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo trang mạng project-syndicate.org, với việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen lên nắm chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Liên minh châu Âu (EU) hiện đã có một người điều hành mới.

Bà Von de Leyen hứa hẹn sẽ dẫn dắt một Ủy ban “địa chính trị,” tin tưởng rằng châu Âu cần phải quyết đoán hơn trong mối quan hệ với các nước khác, và dứt khoát hơn trong việc theo đuổi những lợi ích của riêng mình trên khắp thế giới, đặc biệt là khi đối diện các cường quốc lớn khác.

Do EU thiếu một quân đội hay một ủy ban trung ương bí mật, nên khối này phải sử dụng các chính sách kinh tế để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình. Tuy nhiên, cách mà công cụ chính trị của châu Âu hoạt động trên thực tế lại cho thấy nó không thích hợp để vận dụng sức mạnh ở bên ngoài.

Công cụ chính sách quan trọng nhất của EU là thương mại, một trong số ít các lĩnh vực mà khối này hoạt động với tư cách một thể thống nhất.

[Tân chủ tịch EC:Một châu Âu xanh để EU mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế]

EU có truyền thống xúc tiến chính sách thương mại của mình theo những đường lối thương mại thông thường, với mục tiêu tối đa hóa sự tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu châu Âu và bảo vệ một số lĩnh vực nội địa (đặc biệt là nông nghiệp). Vậy chính sách này liệu có cản trở những mục tiêu địa chính trị hay không?

Nếu xem xét kỹ lưỡng những ví dụ cụ thể, thì câu trả lời là không. Sau tất cả, EU nên cởi mở các thị trường của mình với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Bắc Phi để kích thích sự tăng trưởng tại khu vực đang chật vật này, và kiềm chế dòng người nhập cư vì kinh tế vào châu Âu.

Tuy nhiên, sự phản đối của Italy, Tây Ban Nha và một số nước trồng ôliu khác đã ngăn chặn sự lựa chọn này.

Tương tự, EU từ lâu vẫn ưa thích nhập khẩu chuối từ một số nước chủ đạo (hầu hết là các nước cựu thuộc địa) mà họ muốn duy trì trong quỹ đạo của mình.

Tuy nhiên, chính sách này không mang nhiều ý nghĩa kinh tế (tại sao lại phải hạn chế nhập khẩu chuối từ các nước có thể bán mặt hàng này với giá rẻ hơn?) và vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Và những ví dụ này, cùng nhiều ví dụ thực tế khác trên thế giới, cho thấy việc tuân thủ các quy tắc thương mại vì các mục đích địa chính trị đơn giản là không phù hợp với hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, chưa kể đến quy định về “không phân biệt đối xử” của WTO.

Trên thực tế, việc đặt chính sách thương mại dưới một chương trình nghị sự lớn hơn về địa chính trị buộc EU phải bất chấp những quy định mà họ đã nhiều lần cam kết tuân thủ và bảo vệ.

Một lĩnh vực khác về nguy cơ sử dụng sai những đòn bẩy kinh tế đang gây lo ngại cho những nước lân cận của châu Âu.

Nhiều người ở châu Âu sợ rằng khi tài trợ giá rẻ cho các dự án cơ sở hạ tầng cho một loạt nước, bao gồm cả các nước thành viên EU, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang từng bước xâm phạm vào địa hạt của lục địa già.

Tuy nhiên, một lần nữa, người ta phải đặt câu hỏi liệu thách thức này có thể biện minh cho việc gạt sang một bên những quy tắc quản lý tốt hay không?

Xét trường hợp của các nước Balkan, nơi bản thân EU cũng hỗ trợ nhiều dự án xây dựng. Mỗi dự án trong số này đều phải trải qua những đánh giá khắt khe về chi phí-lợi nhuận, và trong một khu vực có địa hình nhiều núi với nền kinh tế địa phương yếu kém, chi phí xây dựng đường bộ và đường sắt rất cao.

Những kế hoạch xây dựng các quốc lộ lớn để kết nối các khu vực dân cư tương đối thưa thớt có thể nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia địa phương, nhưng chúng lại không mang ý nghĩa về kinh tế.

Vì thế, các thể chế cấp vốn của EU như Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu rõ ràng đều không ủng hộ các dự án này.

Ngược lại, Trung Quốc đã cho thấy sự sốt sắng hơn trong việc xây dựng “các tuyến đường cao tốc chẳng đi đến đâu.”

Nếu EU cũng bắt chước và bắt đầu tài trợ cho những con voi trắng ở Balkan để giữ những nước này bên cạnh mình, thì dù thiện ý lúc đầu mà các dự án như thế này có mang lại là gì đi nữa, thì nó cũng sẽ sớm biến mất khi chi phí duy trì chúng và những khoản nợ đến hạn phải trả. Nhiều quốc gia đã ký kết BRI đều có thể chứng thực cho điều này.

Thêm vào đó, cần nhớ rằng sự kết nối tốt hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người trên toàn khu vực EU không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự tăng trưởng khu vực nhanh hơn.

Bằng cách củng cố những kết quả này, sự hội nhập kinh tế sâu hơn có thể thúc đẩy xu hướng những người có tài năng và học thức cao hơn rời quê nhà để kiếm các cơ hội việc làm ở những nơi khác.

Một lĩnh vực mà EU có thể thúc đẩy một cách khả thi các công cụ kinh tế để phục vụ các mục tiêu địa chính trị là viện trợ phát triển. Bản thân EU hiện là nhà viện trợ lớn thứ tư trên thế giới, và tập thể các thành viên của khối này đang chi thêm gấp ba lần cho viện trợ, chiếm hơn một nửa khoản hỗ trợ phát triển chính thức của OECD.

Các nước đang tiếp nhận phần lớn trong nguồn vốn ODA của EU gồm Pakistan, Syria, Afghanistan, Ethiopia, và Somalia, sắp trở thành nguồn gốc của hầu hết các đợt nhập cư. Vì thế, EU có một lợi ích sống còn trong việc hỗ trợ các nước này phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, sự tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém, chứ không phải thiếu viện trợ, mới là những nguyên nhân khiến các nước này thụt lùi. Vì vậy, mặc dù châu Âu có thể tập trung vốn ODA vào một số ít nước ưa thích vì mục đích gây ảnh hưởng, điều này có nguy cơ hỗ trợ cho các thành phần tinh hoa tham nhũng đã chẳng làm gì để thúc đẩy sự phát triển đất nước họ.

Trong khi đó, tiền của EU có thể tạo ra sự tác động rất tích cực đối với các nước khác có tầm quan trọng địa chính trị ít hơn. Nếu các nước này không có cơ hội tiếp nhận những khoản vốn tài trợ mà họ đáng được nhận, thì sự hỗ trợ phát triển của EU sẽ trở nên kém hiệu quả.

Trên phương diện kinh tế, EU vẫn có quy mô tương đương với Trung Quốc hay Mỹ, và đó là lý do khối này cần phải cân nhắc xem sức mạnh kinh tế của mình có thể được tận dụng trong sức mạnh địa chính trị hay không.

EU có lẽ đã từ bỏ một vài trong số các nguyên tắc cốt lõi của mình để đi theo con đường này. Nhưng liệu điều đó có thực sự xứng đáng hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục