Cai nghiện ma túy bắt buộc tại trung tâm là biện pháp cuối cùng

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chỉ những người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không thành công mới áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm.
Cai nghiện ma túy bắt buộc tại trung tâm là biện pháp cuối cùng ảnh 1Các đối tượng nghiện ma túy bỏ trốn bị lực lượng chức năng Đồng Nai đưa trở lại cơ sở điều trị. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Liên tiếp chỉ trong 10 ngày đầu tháng 11 đã xảy ra ba vụ học viên cai nghiện ma túy phá phách và trốn ra ngoài trung tâm. Trong vụ việc trốn trại gần nhất ngày 9/11 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh sở tại thì nguyên nhân chính là do các học viên có nguyện vọng được trở về với gia đình, muốn tự do không chịu sự quản lý tập trung. Đây cũng là nguyên nhân của các vụ việc học viên cai nghiện trốn trại gần đây.

Trao đổi với phóng viên ngày 14/11 về tình hình công tác cai nghiện ma túy hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Cai nghiện ma túy bắt buộc là biện pháp cuối cùng, hướng chung của công tác cai nghiện hiện nay là phải tập trung vào cai nghiện gia đình và cai nghiện công đồng, trừ những người qua nhiều lần cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không đạt yêu cầu thì mới cai nghiện bắt buộc.”

“Cai nghiện ma túy là một công việc đòi hỏi phải hết sức kiên trì và làm bằng tình thương, trách nhiệm của mỗi gia đình. Nếu một gia đình có một người nghiện thì gia đình, dòng họ đó liêu xiêu, vì vậy trách nhiệm xã hội là phải gánh vác một phần với gia đình họ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cai nghiện ma túy bắt buộc tại trung tâm là biện pháp cuối cùng ảnh 2Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhấn mạnh vai trò của cai nghiện trong cộng đồng nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng việc cai nghiện ở các trung tâm cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Nhìn chung các cơ sở cai nghiện hiện nay đều quá tải thậm chí có nơi quá tải đến 30-40%, cá biệt có những nơi số học viên gấp 3 lần quy mô của trung tâm.

“Hiện nay cả nước chỉ có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Hải Phòng có cơ sở cai nghiện tương đối tốt, vừa có khu điều trị riêng, vừa có khu cho các học viên vui chơi giải trí, có những nơi để chăm lo tạo việc làm, học nghề cho học viên, qua đó có thể tạo ra môi trường để cai nghiện tốt. Còn lại những trung tâm khác vừa quá tải lại cộng thêm những điều kiện vui chơi không có, việc làm không có, chỉ ngồi không nên rất dễ nảy sinh những vấn đề khác,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian tới, chính quyền các cấp địa phương phải chú trọng nâng cấp cơ sở và tách riêng hai cơ sở cắt cơn ban đầu khác với cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương phải coi đây là một công trình cấp bách, khẩn trương xây dựng chứ không chỉ như một công trình bình thường thì cái việc tổ chức thực hiện sẽ không đạt yêu cầu đặt ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục