Cải tạo chung cư cũ - đến hẹn không khởi công

Trong khi những dự án cải tạo nhà nguy hiểm đã rục rịch thì các dự án cải tạo chung cư cũ quy mô lớn ở Hà Nội vẫn im như thóc đổ bồ.
Trong khi những dự án cải tạo nhà nguy hiểm đã có dấu hiệu khởi sắc thì các dự án cải tạo chung cư cũ quy mô lớn ở Hà Nội vẫn im như thóc đổ bồ. Nhiều dự án hẹn khởi công vào đầu năm 2009 nhưng nay vẫn chưa xong khẩu giải phóng mặt bằng.

Với tiến độ hiện tại, Hà Nội không thể hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ vào năm 2015 như nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố. Để tránh khả năng “vỡ kế hoạch” cải tạo chung cư cũ, thành phố đang cân nhắc việc xử lý kiên quyết một số dự án “rùa”.

100% chậm tiến độ

Từ đầu năm 2009, tại Hà Nội, trong khi những dự án nhỏ lẻ, phá dỡ, xây lại chung cư đã xuống cấp tới mức nguy hiểm được khởi công liên tiếp thì các dự án cải tạo chung cư cũ quy mô lớn như Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Ngọc Khánh, Trung Tự, Giảng Võ... vẫn “trùm mền”.

Không chỉ lớn về diện tích chiếm đất hay quy mô dân số, các dự án này đều đã khởi động từ nhiều năm nay, song đa số còn chưa lập xong quy hoạch - “cửa ải" đầu tiên cần phải vượt qua.

Trong các dự án chậm nhất hiện nay, phải kể đến khu tập thể Khương Thượng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội thực hiện. Được giao từ tháng 4/2004 nhưng tới nay chủ đầu tư còn chưa hoàn thiện công tác điều tra xã hội học, chưa xác định ranh giới nghiên cứu quy hoạch. Tích cực nhất trong nhóm này - dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, cũng chưa thể chính thức khởi công.

Giai đoạn trước khi Hà Nội mở rộng, bên cạnh những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch hay cân đối kinh tế, chủ đầu tư các dự án chậm tiến độ thường đổ lỗi cho thành phố chậm ban hành quy chế khung về cải tạo chung cư cũ. Song, sau khi Hà Nội phê duyệt quy chế này (cuối tháng 7/2008), thay vì tăng tốc, các dự án “rùa” này vẫn chậm rãi “bò”.

Xác nhận tiến độ các dự án đều rất chậm, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, những công trình chung cư đơn lẻ tập trung tại khu trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa) là các vị trí có khả năng sinh lời cao được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mong muốn được giao làm chủ đầu tư. Trong khi đó, các dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp lại chưa được quan tâm đúng mức.

Thay chủ đầu tư dự án “rùa”


Lo lắng vì kỳ hạn năm 2015 (là năm phải hoàn thành cải tạo chung cư cũ trên toàn thành phố theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội) sắp tới mà các dự án lớn vẫn nằm im, Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố mạnh tay thu hồi nhiệm vụ đã giao cho một số đơn vị tham gia nghiên cứu lập quy hoạch, lập dự án cải tạo chung cư cũ nhưng tiến độ thực hiện chậm so với yêu cầu.

Những đơn vị có tên trong danh sách đề xuất thu hồi gồm: Công ty cổ phần tu tạo và phát triển nhà Hà Nội (được giao tổ chức lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu A Ngọc Khánh, quận Ba Đình); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội (khu B Ngọc Khánh); Công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa).

Sở Xây dựng cũng đề xuất thành phố chuyển các dự án này cho đơn vị khác có đủ năng lực. Cụ thể, Sở đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố giao Công ty xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư, tiếp tục tổ chức thực hiện công tác khảo sát, điều tra xã hội học làm cơ sở lập dự án cải tạo, xây dựng lại khu A, B Ngọc Khánh. Ngoài ra, đề nghị chuyển dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa) sang Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng...

Cho rằng dự án chậm không phải lỗi do doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội), chủ đầu tư dự án cải tạo khu tập thể Văn Chương, phân bua: “Quy hoạch chúng tôi đã đề xuất từ rất lâu rồi nhưng còn đang chờ duyệt. Nếu chưa xong quy hoạch thì không tài nào triển khai các khâu tiếp theo được. Dự án này là tâm huyết, hy vọng của chúng tôi, tốn bao công sức từ 5 - 6 năm nay sao có thể nói bỏ là bỏ ngay được”.

Nhấn mạnh việc khai thông ách tắc quy hoạch cho các dự án, ông Sỹ tâm sự: “Nếu phương án quy hoạch sớm ngã ngũ thì dự án sẽ được triển khai rất nhanh. Vài năm trước, mắc mứu quy hoạch rất khó giải quyết nhưng cùng với Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp, nút thắt này đã có hướng mở...”.

Chưa thể gỡ rối


Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định, nếu không thay đổi cung cách làm việc như hiện nay, hạn định hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ vào năm 2015 của thành phố Hà Nội là không thể khả thi. Nói “thay đổi cung cách làm việc” bởi nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án cải tạo chung cư đều đã rõ nhưng qua nhiều năm các phương án giải quyết vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Trong văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, để gỡ vướng giải phóng mặt bằng, cần thống nhất quan điểm có giải pháp hành chính đối với số ít hộ dân cố tình đưa ra những yêu sách không phù hợp với quy định pháp luật, cản trở tiến độ của dự án sau khi đã có các giải pháp bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư hợp tình, hợp lý với sự đồng thuận của đa số.

Đồng thời, để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp đối với các dự án, Sở Xây dựng đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành liên quan phổ biến và xác định chính sách miễn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích được giao (hoặc thuê) khi thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm. Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng là những giải pháp được nhắc tới.

Thực chất, ở các mức độ khác nhau, những giải pháp nói trên đều đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Song, “chậm tiến độ”, “bế tắc” vẫn là những cụm từ gắn liền với các dự án cải tạo chung cư cũ.

Thay chủ đầu tư dự án “rùa” để tăng tiến độ cũng là giải pháp đặng chẳng đừng. Tuy nhiên, ngay cả khi “thay ngựa giữa dòng”, nếu những nút thắt cũ không được tháo gỡ từ gốc, nhà đầu tư mới, doanh nghiệp mới có hăng hái mấy rồi cũng sẽ tiếp bước đi vào... ngõ cụt.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu thành phố không sớm đưa ra được những giải pháp có tính đột phá, khả năng “vỡ kế hoạch” cải tạo chung cư ở Hà Nội là khó tránh khỏi. Doanh nghiệp, nhà đầu tư thiệt hại khi dự án đổ vỡ chỉ là một chuyện, cơ hội cải thiện chỗ ở, điều kiện sống của người dân chung cư cũ bị bỏ lỡ mới là điều không thể chấp nhận./.

Bài viết  này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục