Cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu của người dân vùng cao

Từ năm 2011 đến nay Lào Cai có gần 96% đám cưới được đăng ký kết hôn, chỉ còn 3,2% cặp tảo hôn và 0,08% cặp kết hôn cận huyết thống.
Cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu của người dân vùng cao ảnh 1Thầy cúng chúc rượu mừng cô dâu chú rể trong đám cưới của người Dao. (Ảnh Thanh Hà/TTXVN)

Đề án số 14 của Tỉnh ủy Lào Cai về "Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu giai đoạn 2011-2015" sau 5 năm thực hiện đã mang lại những hiệu quả rõ nét.

Những năm qua, đề án này đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực làm chuyển biến nhận thức của đại bộ phận nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai, được người dân đồng tình thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Động lực từ một điểm sáng

Sín Chéng - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Si Ma Cai theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là điểm sáng đầu tiên của tỉnh Lào Cai về vận động thực hiện cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang.

Trước khi thực hiện đề án, tình trạng tảo hôn chiếm trên 30%, một số trường hợp hôn nhân cùng, cận huyết thống, ép cưới, thách cưới cao, có trường hợp lên đến 25 triệu đồng. Tình trạng tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày, nhiều bữa gây tốn kém, lãng phí khá phổ biến (có đám cưới chi phí lên đến 50 triệu đồng).

Do vậy, nhà nào đông con trai hoặc không khá giả sau khi cưới vợ cho con kinh tế suy sụp, gia đình trở thành nghèo đói. Con cái cả đời vất vả làm lụng để trả nợ, chất lượng cuộc sống thấp, trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ, chiều cao, cân nặng ngày càng giảm xuống.

Trong việc tang các gia đình có người chết vẫn còn để lâu trong nhà, thậm chí hàng tuần để mời thầy cúng đến cúng ma, làm lý, tính tuổi không được trùng với người trong nhà mới được ngày đưa đi chôn, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc tổ chức ăn uống dài ngày, chi tiêu không tiết kiệm, phải mổ trâu làm ma, tốn kém gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống kinh tế gia đình của đồng bào.

Ông Lý Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng cho biết: "Chúng tôi đã xác định rõ việc cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu là việc làm hết sức khó khăn đối với xã vùng cao như Sín Chéng, nhưng nếu thành công sẽ là việc làm có ý nghĩa và tác dụng rất lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, Đảng ủy xã với phương châm "vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên" của Mặt trận đã cụ thể hóa chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quán triệt và triển khai trong đảng, các chi bộ và cán bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đăng ký tự giác gương mẫu đi đầu trong thực hiện cải tạo tập quán lạc hậu và vận động nhân dân làm theo.

Hằng năm xã đưa nội dung cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang vào tiêu chí bình xét phân xếp loại cán bộ đảng viên, bình xét gia đình văn hóa và lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, các thôn, bản bàn bạc dân chủ và nghị quyết đưa vào quy ước, hương ước của thôn, bản để thực hiện.

Kết quả, từ năm 2013 đến nay, tại Sín Chéng, trong việc cưới, các cặp kết hôn đều thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thanh niên nam từ 20 tuổi mới lấy vợ, nữ đủ 18 tuổi trở lên mới lấy chồng; việc kết hôn đã hoàn toàn tự nguyện, không còn tình trạng gả bán, cưỡng ép hôn nhân.

Trước khi tổ chức đám cưới, người dân đã đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Năm 2014, huyện Si Ma Cai nói chung và xã Sín Chéng nói riêng đã gần như hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết.

Năm 2015, đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào tái diễn những hủ tục trên. Các cặp vợ chồng mới kết hôn được chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới.

Trong việc tang, khi có người chết, các gia đình đều đến trụ sở xã là thủ tục khai tử, tổ chức đám ma theo phong tục tập quán của từng dân tộc, các hủ lạc hậu đã được bãi bỏ. Người chết đều được đưa vào áo quan, không để qúa 48 giờ trong nhà, được chôn sâu trên 1m.

Theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, do đặc điểm của xã vùng cao núi đá vôi là phổ biến, xã đã xây dựng đồ án quy hoạch ở mỗi thôn xây dựng 01 nghĩa trang nhân dân, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015 và sẽ thực hiện người chết được đưa vào chôn tại nghĩa trang để tiện cho việc chăm sóc phần mộ.

Thực sự đi vào cuộc sống

Đề án số 14 của Tỉnh ủy Lào Cai về "Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu giai đoạn 2011-2015" được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành. Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở được thành lập, các thành viên Ban chỉ đạo có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng.

Tỉnh kết hợp xây dựng các mô hình "người thật, việc thật" như đưa người có uy tín trong các dòng họ ở vùng còn nhiều tập tục lạc hậu đến giao lưu học hỏi của chính dòng họ ở những vùng thực hiện tốt trong tỉnh để người dân tự trao đổi, tự truyền kinh nghiệm cho nhau.

Qua 5 năm thực hiện, dự án được đánh giá cơ bản thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, 9 xã được công nhận hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đều đạt các tiêu chí của Đề án.

Bằng cách gắn với việc xây dựng nông thôn mới, thông qua việc thực hiện quy ước hương ước thôn bản, một số tập quán lạc hậu trong việc cưới việc tang đã được giảm đáng kể.

Từ năm 2011 đến nay Lào Cai có gần 96% đám cưới được đăng ký kết hôn, chỉ còn 3,2% cặp tảo hôn và 0,08% cặp kết hôn cận huyết thống.

Nếu như năm 2011, tỉnh Lào Cai vẫn còn 233 cặp tảo hôn và 49 cặp kết hôn cận, cùng huyết thống thì đến hết năm 2014, số cặp tảo hôn đã giảm xuống còn 151 cặp (chủ yếu tại các huyện Bắc Hà, Sa Pa), 43 cặp kết hôn cận, cùng huyết tại huyện Sa Pa. Mặc dù vẫn còn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết nhưng so với giai đoạn trước đó các hủ tục này đã được giảm đáng kể.

Chương trình hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc và làm nhà tiêu hợp vệ sinh đã tác động chuyển đổi nhận thức đại bộ phận nhân dân về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có xấp xỉ 77% hộ gia đình có nhà vệ sinh, trong đó có 56,5% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Có 81,5% số hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhốt gia súc trong đó có 68,5% số hộ có chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo, tăng 28,5% so với mục tiêu đề án.

Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 84,5%. Theo ông Giàng Seo Thảo, Trưởng ban Dân tộc Hội đồng Dân tộc tỉnh Lào Cai, dự án đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi tình trạng mê tin dị đoan và tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.

Hộ nghèo được hỗ trợ giống, phân bón đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, vì vậy tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh từ 35,29% năm 2011 xuống còn 17,61% năm 2014, giảm nghèo bình quân hằng năm trên 4% đạt so với mục tiêu của đề án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục