Cải thiện bình đẳng giới trong lao động ở châu Á

Theo ILO và ADB, cơ hội đang mở rộng để châu Á cải thiện bình đẳng giới trong thị trường lao động, thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững.
Cánh cửa cơ hội đang mở rộng để châu Á cải thiện bình đẳng giới trong thị trường lao động và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững.

Đây là nghiên cứu chung giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được công bố ngày 29/4 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Nghiên cứu này, với chủ đề “Phụ nữ và thị trường lao động châu Á: Tái cân bằng bình đẳng giới,” nhấn mạnh, sự phục hồi của thị trường lao động châu Á không bắt kịp nhịp độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng của châu lục này vì còn tới 45% tiềm năng sản xuất to lớn của phụ nữ châu Á vẫn chưa được phát huy, trong khi tỷ lệ này đối với nam giới chỉ là 19%.

Nhiều nước đang phát triển ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, đã tạo được nhiều việc làm nhưng chất lượng việc làm mới được tạo ra vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, châu Á đã thiệt hại từ 42 đến 47 tỷ USD mỗi năm do những hạn chế khi phụ nữ tiếp cận các cơ hội việc làm và 16-30 tỷ USD mỗi năm do bất bình đẳng giới trong giáo dục.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của châu Á đạt trung bình 6,2% trong các năm từ 2002- 2007, vượt xa tốc độ trung bình toàn cầu là 4,2%, nhưng tốc độ tăng trung bình về việc làm cho phụ nữ chỉ đạt 1,7%, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2%.

Khoảng cách này có thể đã tăng cao trong thời gian khủng hoảng do những bất bình đẳng giới mà lực lượng lao động phụ nữ châu Á phải chịu đựng trong thị trường lao động, trong cơ cấu xã hội, trong khuôn khổ chính sách và thể chế tạo các cơ hội việc làm cho họ.

Nghiên cứu của ILO và ADB nêu rõ, trong thị trường lao động, việc làm kém chất lượng đang là thách thức lớn đối với phụ nữ hơn là thất nghiệp.

Một tỷ lệ khá lớn phụ nữ châu Á hiện phải làm việc vất vả với các công việc năng suất thấp, dễ tổn thương và lương thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ thanh niên khá cao.

Để khắc phục hiện trạng này, nghiên cứu đề xuất những gợi ý chính sách bao gồm hỗ trợ tích cực các nữ doanh nhân, nữ nông dân để tăng năng suất, giảm sự phụ thuộc của châu Á vào khu vực kinh tế không chính thức, thúc đẩy tiếp cận nền giáo dục đào tạo có chất lượng, ưu tiên phụ nữ trong đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo bình đẳng về đại diện nữ trong hoạch định chính sách.

ADB và ILO cam kết hỗ trợ đẩy mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại châu Á thông qua các hoạt động như đầu tư kinh tế xã hội thúc đẩy phát triển bền vững ở châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục