Cải thiện chất lượng alumin ở dự án bauxite Tân Rai-Lâm Đồng

Nhà máy Alumin Tân Rai thuộc dự án Tổ hợp bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã dần hoạt động ổn định, đánh dấu bước làm chủ công nghệ khai thác.
Cải thiện chất lượng alumin ở dự án bauxite Tân Rai-Lâm Đồng ảnh 1Nhà máy sản xuất alumin Tân Rai. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Sau hơn một năm kể từ ngày bắt đầu vận hành chạy thử, Nhà máy Alumin Tân Rai thuộc dự án Tổ hợp bauxite-Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là dự án bauxite Tân Rai, đặt tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã dần hoạt động ổn định, đánh dấu bước làm chủ công nghệ khai thác bauxite của nguồn nhân lực trong nước, giảm sự lệ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài.

Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, dự án bauxite Tân Rai là một trong hai dự án sản xuất alumin thử nghiệm dùng cho luyện kim đầu tiên tại Việt Nam.

Với nguồn quặng bauxite dồi dào, điều kiện khai thác thuận lợi, việc phát triển các dự án bauxite-alumin trong giai đoạn hiện nay để bù đắp cho các thiếu hụt trên thị trường thế giới, tận dụng cơ hội khi giá alumin dự báo tăng cao sẽ đem lại hiệu quả cho các dự án này.

Hiện nay, Tập đoàn đang xuất khẩu alumin theo giá thị trường thế giới và trong một năm qua đã xuất khẩu được hơn 400.000 tấn alumin. Dự kiến, mỗi năm giá alumin tăng khoảng 10-12 USD/tấn và đến năm 2018 có thể lên đến 400 USD/tấn.

Với mức độ tăng trưởng cao của thị trường alumin-nhôm, đặc biệt là sau khi Indonesia dừng xuất khẩu tinh quặng bauxite, cùng với lợi thế nằm gần các thị trường tiêu thụ alumin lớn là những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển ngành công nghiệp bauxite-nhôm của Việt Nam.

Trong giai đoạn chạy thử (cuối năm 2012 đến tháng 9/2013), Nhà máy Alumin Tân Rai đã sản xuất được 117.000 tấn alumin và hơn 200.000 tấn hyđroxit nhôm.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này chất lượng sản phẩm chưa ổn định, hàm lượng oxit nhôm (Al2O3) cơ bản đảm bảo theo thiết kế nhưng các tạp chất đi kèm còn cao.

Một trở ngại nữa là cỡ hạt alumin chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ cỡ hạt dưới 45 micron còn cao so với tiêu chuẩn chung.

Từ ngày 1/10/2013 toàn bộ Tổ hợp được giao cho Công ty Nhôm Lâm Đồng tiếp quản và chính thức đi vào vận hành thương mại.

Vượt qua những khó khăn ban đầu vì chuyên gia của nhà thầu về nước, hỗ trợ kỹ thuật từ nhà thầu không đầy đủ, đến nay Công ty cơ bản làm chủ công nghệ và chủ động trong vận hành nhà máy alumin.

Công ty cũng từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm alumin phù hợp với tiêu chuẩn chung của thế giới và điều chỉnh quá trình vận hành giảm tiêu hao nguyên vật liệu để sản xuất 1 tấn alumin đạt theo thiết kế.

Trong 7 tháng của năm 2014, dây chuyền sản xuất alumin luôn duy trì ở mức công suất 85-90% công suất thiết kế và đã sản xuất được xấp xỉ 50.000 tấn alumin.

Theo ông Trần Dương Lễ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án bauxite Tân Rai, trong tháng 10/2013 chất lượng sản phẩm alumin còn rất hạn chế nhưng đến tháng 11, chất lượng alumin được nâng lên đáng kể và từ sau tháng 3/2014 và đến nay chất lượng của sản phẩm này đã khá ổn định.

Bên cạnh việc chuẩn hóa sản phẩm alumin đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, công tác vận hành nhà máy tuyển quặng bauxite để đảm bảo đáp ứng nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất alumin cũng được Công ty Nhôm Lâm Đồng dần hoàn thiện.

Các cán bộ của công ty đã có nhiều sáng kiến và giải pháp để cải tiến dây chuyền công nghệ, xử lý vấn đề lắng bùn thải của nhà máy tuyển, cải tiến hệ thống song sàng, qua đó giúp cả hệ thống nhà máy hoạt động ổn định, đạt năng suất cao.

“Dự kiến đến cuối năm nay, toàn bộ dây chuyền nhà máy tuyển sẽ được khắc phục hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất và cấp quặng tinh đạt chất lượng và số lượng cho nhà máy alumin” - ông Vũ Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục