Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần nhiều công sức

Cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định thu hút vốn đầu tư cũng như khuyến khích doanh nghiệp phát triển có hệ thống.

Luật sư Cao Bá Quát cho rằng, hơn 5 vạn doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2009 không có nghĩa là môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã thuận lợi và thông thoáng hơn so với trước.

Cải thiện môi trường kinh doanh chính là yếu tố quyết định tới việc thu hút vốn đầu tư cũng như khuyến khích các doanh nghiệp phát triển một cách có hệ thống.

Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phỏng vấn những người am hiểu và có liên quan trực tiếp đến vấn đề này.

Thưa luật sư Cao Bá Khoát, ông có thể đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam?

Luật sư Cao Bá Khoát: Vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Hơn 5 vạn doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2009 không có nghĩa là môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã thuận lợi và thông thoáng hơn so với trước.

Dù mất nhiều thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa nhưng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thậm chí còn xung đột nhau, và xung đột với nhiều luật khác khiến các doanh nghiệp rất lúng túng trong quá trình hoạt động và áp dụng luật.

Tại sao các cơ quan chức năng quá chú trọng tới vấn đề quản lý đầu tư và gia tăng các thủ tục đăng ký đầu vào, trong khi hoàn toàn xem nhẹ các yếu tố về quy hoạch đất đai, các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho môi trường, các chế tài xử phạt khi có vi phạm và nhất là tăng cường giám sát, hậu kiểm.

Điều này chỉ khiến các doanh nghiệp chạy đua, tranh giành sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước và hệ quả là cạnh tranh một cách thiếu lành mạnh.

Cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi một thời gian dài cần thay đổi tư duy, ít nhất là có thể sửa đổi luật. Nên gỡ bỏ tâm lý phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước; tăng cường ưu đãi, khuyến khích về hỗ trợ vốn, về thuế... nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn nữa đồng thời nghiêm túc thực hiện những cam kết trong lộ trình gia nhập WTO để bày tỏ thiện chí với cộng đồng doanh nghiệp thế giới.

Thưa ông, để môi trường kinh doanh tại Việt Nam thực sự lành mạnh và các doanh nghiệp hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, ông có khuyến cáo gì?

Luật sư Cao Bá Khoát: Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp là yêu cầu bức thiết hơn lúc nào hết. Doanh nghiệp không thể tồn tại khi không nắm rõ luật, càng không thể trụ vững khi thiếu tư vấn pháp lý.

Đáng buồn là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được hiệu quả của tư vấn pháp lý, chưa đánh giá đúng vai trò của tư vấn pháp lý và chỉ tìm đến khi liên quan tới tranh tụng.

Quan trọng nhất là trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp nên hiểu luật “chơi” và tôn trọng đối tác.

Thưa bà Nguyễn Hồng Tin với vai trò Trưởng ban Nghiên cứu Thị trường của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bà có thể cho biết đối với tập đoàn, những khó khăn gì theo bà cần tháo gỡ để cải thiện môi trường kinh doanh?

Bà Nguyễn Hồng Tin: Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ vốn và điều chỉnh chính sách tỷ giá phù hợp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp như Vinatex thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Riêng lĩnh vực xuất khẩu, đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng là một trong những mong muốn từ lâu của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.

Tình trạng hàng lậu, hàng nhái, hàng kém phẩm chất vẫn lưu thông tràn lan trên thị trường ảnh hưởng lớn tới uy tín và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như chúng tôi.

Chưa kể, các đơn vị trong tập đoàn đang vướng phải nhiều vấn đề liên quan tới quỹ đất cho phát triển dự án.

Mặc dù, có đóng góp rất nhỏ, song những doanh nghiệp như chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đàm phán đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao quỹ đất đồng thời cải tiến các thủ tục hành chính vốn luôn gây phiền hà, tốn phí cho doanh nghiệp.

Thưa ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ông có thể cho bạn đọc hiểu rõ chương trình hành động của tỉnh ông nhằm cải thiện môi trường kinh doanh?

Ông Hồ Quốc Dũng: Bằng việc xây dựng những yếu tố “mềm” như cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu... tỉnh Bình Định đã phần nào tạo dựng môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Việc đổi mới tư duy từ “quản lý, giải quyết” thay bằng “phục vụ, đáp ứng” đã khiến chính quyền thực sự là người đồng hành của nhà đầu tư, coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của chính mình.

Kết quả là năm 2009, Bình Định đã thu hút được hơn 60 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lên tới 12.590 tỷ đồng, 4 dự án đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký 57,12 triệu USD mặc dù chịu tác động lớn từ khủng hoảng kinh tế.

Liệu Bình Định có dừng lại ở đó không, hay sẽ mạnh tay hơn nữa thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp địa phương?

Ông Hồ Quốc Dũng: Khó nói thế nào là đủ, nhưng về lâu dài Bình Định sẽ nghiên cứu và phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng quy định về trình tự thủ tục, nhờ đó minh bạch hóa trình tự và hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư tiết kiệm nhiều chi phí, công sức và củng cố niềm tin cho họ vào môi trường đầu tư-kinh doanh của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục