Cải thiện năng suất lao động để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 7%

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7%/năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động.
Cải thiện năng suất lao động để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 7% ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo “Báo cáo Việt Nam 2035," Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7%/năm. Tốc độ tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động.

Nhân tố cơ bản

Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ rõ nếu tiến hành những cải cách cần thiết để nâng tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên mức 7% một năm, đến năm 2035, Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như của Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2000.

Từ vị trí nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam có cơ sở vững chắc để đạt mức thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để bắt kịp, thậm chí vượt trên các nước láng giềng có thu nhập trung bình như Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng năng suất lao động trong những năm 1990, đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn sau năm 2000 và tăng trưởng năng suất lao động đã giảm ở hầu hết các khu vực.

Thực tế, năng suất lao động giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng và tài chính, là những ngành mà doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Do theo đuổi nhiều mục tiêu; trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Năng suất tài sản công ty (bao gồm vốn và đất đai) và các biện pháp tăng năng suất lao động trong suốt những năm 2000 đều cho thấy tình trạng không hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định tuy đã thực hiện cổ phần hóa từ lâu nhưng không đồng đều, sự hiện diện trong sản xuất cũng như mức độ chi phối của khu vực công đối với thị trường nhân tố sản xuất vẫn còn rất lớn.

Nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phần của các doanh nghiệp. Khu vực nhà nước vẫn chiếm vị thế độc quyền (hoặc độc quyền nhóm) trong các ngành quan trọng như sản xuất phân bón, khai mỏ, dịch vụ thiết yếu, ngân hàng, xây dựng và nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới sức ép ngày càng tăng về tái cơ cấu, khu vực này ít nhất cũng đã tìm cách duy trì năng suất lao động để không đi xuống hơn nữa.

Theo báo cáo, hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn đáng quan ngại hơn. Hàng loạt các biện pháp cải cách đã được thực hiện nhằm thể chế hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân đã giúp kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng khi con số doanh nghiệp tư nhân tăng lên thì năng suất của doanh nghiệp lại giảm xuống đến mức gần như không có khoảng cách giữa năng suất lao động và tài sản trong khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức, do đó không thể tăng năng suất lao động nhờ vào chuyên môn hóa hay tận dụng lợi thế quy mô được. Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân lớn với số lượng tương đối ít (nhất là những doanh nghiệp có trên 300 lao động) thường có năng suất thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ, cả về năng suất tài sản và lao động.

Bà Nguyễn Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp, Tổng cục Thống kê đánh giá Việt Nam có nhiều ngành kinh tế sử dụng lao động có giá trị gia tăng thấp, gây nên tình trạng năng suất lao động thấp.

“Lĩnh vực nông nghiệp có thị trường đầu ra chưa ổn định. Đúng như câu nói “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên nếu chia giá trị gia tăng cho số lao động trong ngành nghề đó sẽ thấp,” bà Hương cho biết.

Báo cáo Việt Nam 2035 cũng chỉ ra ngoài những yếu tố trên, các chuyên gia cũng lý giải rõ nguyên nhân khiến việc tăng năng suất chậm lại. Đó là đầu tư công chưa hiệu quả như mong đợi do các quyết định đầu tư còn thiếu đồng bộ và thiếu phối hợp. Nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại chậm hoàn thiện gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên các thị trường hàng hóa. Thị trường các yếu tố sản xuất bị chi phối bởi sự kết hợp không rõ ràng giữa phân bổ theo tín hiệu thị trường và phân bổ bằng mệnh lệnh hành chính...


Thực hiện nhiều giải pháp

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định để đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000-18.000 USD/người vào năm 2035, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động.

Năng suất lao động tổng hợp năm 2015 đã được cải thiện lên đến khoảng hơn 29%, nhưng rõ ràng để đạt được các mục tiêu trong 5 năm tới, năng suất này phải đạt mức ở mức 35%. Nhìn chung ở các nước phát triển, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế là từ năng suất lao động tổng hợp, thường trên 50% (Nhật Bản có thể lên tới 80-90%).

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương đã đề xuất một số biện pháp thực hiện tăng năng suất lao động như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; tận dụng lợi ích của quá trình đô thị hóa; nuôi dưỡng một nền kinh tế sáng tạo và dựa trên đổi mới sáng tạo, và chú ý giải quyết sức ép về môi trường.

Cùng với đó, Báo cáo Việt Nam 2035 cũng nhấn mạnh việc tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn quan trọng nhưng sẽ là không đủ. Khu vực tư nhân trong nước còn yếu nên đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn về chính sách. Cần củng cố nền tảng thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi có hiệu lực các chính sách đảm bảo cạnh tranh.

Theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, một trong những giải pháp để nâng cao năng suất lao động là cần chuyển dịch vào những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng cao hơn như: công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghệ thông tin, ngành tàu thủy, công nghệ chế biến và công nghệ chính xác...

Cải thiện năng suất lao động để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 7% ảnh 2(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đây là xu hướng của thế giới đã thực hiện từ lâu. “Khi kinh tế tư nhân phát triển tốt sẽ tạo ra giá trị tích cực như thị trường lao động đòi hỏi lao động phải có trình độ cao; áp dụng công nghệ quản trị, kể cả công nghệ quản trị nhân sự và quản trị kinh doanh để tạo ra năng suất phù hợp. Bên cạnh đó, để cạnh tranh các doanh nghiệp phải áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động mạnh mẽ, sự liên kết tăng cao,” tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho biết.

Mặt khác, bất kỳ nhân viên ở vị trí công việc nào cũng phải ý thức được trách nhiệm, vai trò và mức độ hoàn thành công việc để từ đó lượng giá được giá trị mà mình mang lại - đại diện một doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, ông Phạm Xuân Trình, Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho biết.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị thị trường đất đai minh bạch, vận hành tốt và một khu vực tài chính cạnh tranh, có sự quản lý tốt của Nhà nước cũng là những điều kiện không thể thiếu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước được nâng cao năng lực và tự tin hơn sẽ đẩy mạnh kết nối theo chiều sâu với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và tri thức. Đây là những yếu tố rất cần thiết để nâng cao năng suất lao động.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ tham gia một “sân chơi chung” có trình độ cao. Tuy nhiên, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là cần thiết, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam sẽ mất việc làm ngay trên sân nhà. Những vị trí đó, trước đây chỉ được chọn trong nước thì nay được chọn ở tất cả các nước ASEAN, đó là thách thức hiện hữu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục