Cải thiện tác động di dân quốc tế tại Việt Nam

Số liệu điều tra cho thấy có khoảng 5% các hộ gia đình trên toàn quốc hiện có người di cư - tương đương với khoảng 1 triệu người.
Di dân quốc tế tại Việt Nam đã tăng lên một cách đáng kể từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Số liệu điều tra cho thấy có khoảng 5% các hộ gia đình trên toàn quốc hiện có người di cư (tương đương với khoảng 1 triệu người).

Người Việt Nam di cư tới khoảng 30% quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Các địa bàn có nhiều người Việt di cư tới nhất là Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Liên bang Nga. Thời gian cư trú khoảng từ 1-5 năm.

Người Việt di cư chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 17-30 và 31-45. Đặc biệt, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam di cư quốc tế.

Theo số liệu thống kê và kết quả đánh giá kinh tế cho thấy, di dân quốc tế và kiều hối có tác dụng tích cực tới thu nhập và mức sống của hộ gia đình. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Ngày 26/3, tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá "Tác động kinh tế-xã hội của di dân," các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đề xuất một số chính sách cải thiện để tối ưu hóa các tác động phát triển của di dân quốc tế tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các chính sách chưa hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực để phát triển do di dân quốc tế đem lại.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia tiếp nhận di cư để cải thiện tốc độ và giảm chi phí chuyển tiền qua ngân hàng và các tổ chức tài chính chính thức, đảm bảo tính cạnh tranh hiệu quả với hệ thống chuyển kiều hối chi phí chính thức.

Người lao động Việt Nam di cư và lao động hợp đồng có thời hạn cần có sự hỗ trợ tại nước đến.  Do vậy, các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức cộng đồng cần phối hợp với nhau trong việc nâng cao nhận thức về các cơ hội và rủi ro, gắn với di dân quốc tế thông qua công tác đào tạo và truyền thông.

Người di cư và gia đình họ cần được hỗ trợ thông tin để có thể ra quyết định đúng đắn về việc đi lao động ở nước ngoài. Các chương trình cho vay và hỗ trợ vốn cho người nghèo cần được đẩy mạnh để đảm bảo người nghèo có thể được hưởng lợi từ các cơ hội di cư.

Chính phủ Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách khuyến khích lao động có kỹ năng và các chuyên gia trở về nước, tạo điều kiện cho họ sử dụng những kiến thức kỹ thuật và khả năng tích lũy được ở nước ngoài.../.

Nguyễn Hồng Điệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục