Cải tổ kinh doanh và dịch vụ đường sắt

Cải tổ hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ đường sắt

Phát triển kinh doanh vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt là nhiệm vụ hàng đầu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong năm 2014.
Cải tổ hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ đường sắt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phát triển kinh doanh vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt là nhiệm vụ hàng đầu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong năm 2014.

Nói như ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty thì đây là năm bản lề, toàn ngành thực sự quyết tâm vào cuộc để thay đổi hình ảnh vốn còn “trì trệ” của đường sắt Việt Nam.

Từ thực tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua cho thấy, dù còn nhiều kêu ca về chất lượng phục vụ, giá vé tàu còn cao nhưng trên các chuyến tàu Bắc-Nam cả chặng dài lẫn chặng ngắn vẫn ken đặc hành khách, việc phải tăng toa, thêm ghế phụ là điều tất yếu. Tâm lý của hành khách khi đi xa vẫn chọn đi tàu bởi hệ số an toàn cao hơn so với đường bộ. Nhu cầu cao từ luồng khách “bình dân” là có thực, vì vậy đòi hỏi ngành đường sắt phải chuyển mình nâng cao chất lượng phục vụ cũng là đòi hỏi chính đáng và cấp thiết.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ rõ, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn còn chậm, nhất là những dự án lớn mang tính đổi mới căn bản.

“Ví dụ công tác bán vé, hiện đại hóa chậm, công tác tuần đường, điều hành chưa áp dụng công nghệ, vẫn dùng điện thoại điều hành. Chất lượng dịch vụ có tiến bộ nhưng chưa làm thay đổi được hình ảnh, để làm sao người ta đến nhà ga như về nhà,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đường sắt quy mô chưa phải lớn, dù hoạt động rộng nhưng doanh thu còn thấp. Vì vậy cần phải đặt mình trong bối cảnh vận tải chung hiện nay để tăng tốc quyết liệt hơn, đi vào vấn đề hiệu quả, với suy nghĩ làm sao nhà ga, tàu phải đẹp, đổi mới từ cái nhỏ nhất thì mới có thể cạnh tranh được với các loại hình dịch vụ vận tải khác.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2013 luồng khách không tăng so với năm trước, dịp Tết mật độ hành khách rải đều trong các ngày nghỉ; dịp hè khách chặng ngắn tăng 15-20% nhưng đường dài lại giảm. Để duy trì được sản lượng hành khách, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng tập trung nhiều giải pháp, tổ chức chạy tàu hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, phương châm của ông ty là coi lợi ích của hành khách như lợi ích của chính mình. Từ đó, công ty tập trung vào nghiên cứu phát triển thị trường, đề ra các nhóm giải pháp như mở rộng mạng lưới đại lý đưa vé gần hơn tới khách hàng; giá tăng giảm linh hoạt theo thị trường, phương án mở bán công khai, đơn giản hiệu quả. Cùng với đó, nâng cao tiện ích phục vụ hành khách; tổ chức chạy tàu hợp lý phù hợp biểu đồ luồng khách.

“Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa vận tải, tập trung đầu tư thiết bị phương tiện, đồng thời thay đổi những điều còn có dư luận không tốt như dịch vụ bán vé, chậm giờ, tình trạng bao khách, bao hàng,” ông Sơn nói.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho biết, năm nay ngành sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư xuất phát từ nhu cầu vận tải và phục vụ mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ vận tải.

“Hiện nay nhu cầu vốn đầu tư cho ngành đường sắt rất lớn, tuy nhiên trong hoàn cảnh khó khăn về kinh phí hiện nay thì ngành sẽ phân kỳ đầu tư và chọn trọng điểm để tháo nút thắt. Trên cơ sở đó, Tổng Công ty sẽ có quy chế để sắp xếp quản lý kinh doanh cho hợp lý, tổ chức khối vận tải, tổ chức tái cơ cấu nâng cao quản trị kinh doanh. Các đơn vị cần thấm nhuần tư tưởng này,” ông Thành nhấn mạnh.

Một lĩnh vực quan trọng khác mà ngành đường sắt chú trọng đầu tư là ứng dụng công nghệ đổi mới trong điều hành vận tải và quản trị doanh nghiệp. Ví dụ đến tháng 8/2014 sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại bán vé điện tử để tạo điều kiện tiếp cận với khách hàng và quản trị khai thác tốt nhất tài nguyên đối với vận tải của đường sắt Việt Nam.

Tiếp nữa ngành cũng đang thử nghiệm ứng dụng công nghệ giám sát hành trình GPS phù hợp với đường sắt. Hiện đã xong bản đồ số, trong thời gian sớm nhất sẽ ứng dụng tất cả vào phần mềm quản trị từ tốc độ chạy tàu, lưu lượng hành khách, đặc biệt là quản lý nguyên liệu để làm sao hạ giá thành, tổ chức chạy tàu đúng quy trình, đạt hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Trong sản xuất kinh doanh vận tải năm 2014, ngành đường sắt ra mục tiêu tăng từ 2-3% đối với cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; doanh thu tăng từ 5% trở lên so với năm trước. Đảm bảo tỷ lệ tài khách đi đúng giờ đạt 98%, đến đúng giờ từ 72-75%. Hướng tới mục tiêu lâu dài, Tổng Công ty đang xây dựng Đề án Xã hội hóa đầu tư hệ thống nhà ga, bãi hàng và hóa trường.

Theo ông Trần Ngọc Thành, tổ chức chạy tàu thì nhà nước vẫn quản lý nhưng phần nhà ga, bãi hàng cần kêu gọi xã hội hóa để có thể khai thác hết được tiềm năng của nhà ga. Điều này cần có cơ chế chính sách phù hợp.

Ngoài mục tiêu phục vụ an sinh xã hội thì việc kinh doanh nâng cao doanh thu của ngành đường sắt cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tổng Công ty sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng biểu đồ chạy tàu hợp lý, tăng tần suất và chất lượng đón tiễn khách tại các ga trên địa bàn đô thị, khu vực đông dân cư.

Từ trước đến nay, mục tiêu của ngành đường sắt là làm sao rút ngắn nhất được tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh nhưng trên quan điểm xây dựng rà soát lại biểu đồ chạy tàu hợp lý. Đi từ Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh khi kết cấu hạ tầng tăng lên thì tốc độ từng khu gian cũng tăng theo, có thêm được thời gian đỗ ở các ga để đón khách. Thời gian qua áp dụng thử cũng có thêm 600-700 khách/ngày.

Ông Trần Ngọc Thành cho rằng, cần có sự tính toán để có biểu đồ chạy tàu linh hoạt, vừa tăng được tần suất hoạt động của đội tàu vừa đảm bảo phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của hành khách./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục