Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam

Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm có trên 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam ảnh 1Sổ tay sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian qua, các bên liên quan của Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã tập trung xây dựng sổ tay sức khỏe người di cư, nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin về chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam tại nước ngoài để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ và bảo hộ công dân.

[Chăm sóc sức khỏe người di cư: Vấn đề cấp bách trong đại dịch COVID-19]

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo giới thiệu Sổ tay sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, do Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức sáng 18/7, tại Hà Nội.

600.000 lao động Việt đang làm việc tại nước ngoài

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình cho hay di cư là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Trên thế giới hiện có 281 triệu người di cư trong tổng dân số gần 8 tỷ người, trong đó phụ nữ di cư chiếm 48% và lao động di cư chiếm 60%.

“Dân số Việt Nam hiện nay gồm 98 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam,” ông Tú cho hay.

Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam ảnh 2Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số Kế hoạch hoá gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết Việt Nam là nước xuất cư. Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, số kiều hối chuyển về trong nước ước đạt 3-4 tỷ USD.

Từ 2015 đến 2019, mỗi năm có trên 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2019 là trên 152.000 người); trong đó các thị trường truyền thống và trọng điểm là Nhật Bản (250.000 lao động), Đài Loan (230.000 lao động), Hàn Quốc (40.000 lao động) và Malaysia (10.000 lao động). Riêng thị trường Nhật Bản và Đài Loan chiếm trên 90% lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ông Tú, di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của bất cứ quốc gia nào. Người di cư gặp nhiều những khó khăn, thách thức tại nơi đến, nhất là di cư quốc tế. Những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, sự hiểu biết pháp luật, xa gia đình và người thân và cả việc tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế sẽ tác động đến cuộc sống, sức khỏe, sức khỏe tinh thần của người di cư. Đây là nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Bà Mihyung Park - Trưởng Phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chúng tôi đã làm việc với các bên có liên quan tại Nhật Bản và Hàn Quốc về thiết lập một nền tảng hợp tác nhằm bảo đảm sức khỏe người di cư Việt Nam và đã nhận được những phản hồi tích cực. IOM mong tiếp tục nhận được và sẵn sàng làm việc với các bên về kế hoạch triển khai sổ tay nhằm nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam.”

Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư

Với những muốn về hành trình an toàn, khỏe mạnh, Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam đã có sáng kiến xây dựng cuốn sổ tay sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam tại nước ngoài.

Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam ảnh 3Bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Mihyung Park đánh giá việc ra đời Sổ tay sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc là một việc làm hữu ích để cung cấp các thông tin về sức khỏe cho người lao động trước khi sang nước ngoài. Khi ở nước ngoài, người lao động di cư sẽ bớt bỡ ngỡ và có những định hướng từ trước để chăm sóc sức khỏe cho mình.

Theo Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, quá trình xây dựng cuốn sổ tay đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, nghiệp đoàn, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người di cư, cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sổ tay Sức khỏe Người di cư được xây dựng dưới hình thức hỏi-đáp, ngắn gọn, thiết kế bắt mắt do chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện.

Cuốn sổ cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội-y tế, an toàn lao động, phòng chống bệnh truyền nhiễm, sức khỏe sinh sản, tránh mang thai ngoài ý muốn, sức khỏe tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh, khỏe mạnh, những thông tin dẫn chiếu tham khảo, hỗ trợ và bảo hộ công dân.

Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài và các thị trường trọng điểm:

Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam ảnh 4
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục