Cảm phục những cô giáo hết lòng nuôi dạy trẻ khuyết tật

Ngoài việc dạy chữ cho các em, các cô giáo ở Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu nghị đóng trên địa bàn Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn dạy các em tự chăm sóc bản thân.
Cảm phục những cô giáo hết lòng nuôi dạy trẻ khuyết tật ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Những giáo viên của Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu nghị đóng trên địa bàn Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là những người luôn hết lòng vì trẻ khuyết tật.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, người có thâm niên 15 năm công tác tại Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu nghị từ khi trường mới thành lập đến nay, hiện cô đang dạy lớp của các học sinh khiếm thị.

Cô Hồng chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm Bà Rịa, cô về trường nuôi dạy trẻ khiếm thị công tác. Những ngày đầu , cô gặp rất nhiều khó khăn vì học sinh ở lớp học đặc biệt không những bị khiếm thị mà kèm theo đó là bị đa tật. Vào tiết học, nhiều học sinh vừa bị khiếm thị vừa bị bệnh tự kỷ, tăng động hoặc chậm phát triển trí tuệ…nên đã có hành động la hét, đập phá bàn ghế. Thế nhưng, hàng ngày tiếp xúc với các em, thấy các em đã dần tiếp nhận được kiến thức, cô Hồng lại có thêm động lực gắn bó với trường.

Cô Hồng tâm sự, khi làm mẹ rồi cô càng thấy thương, gắn bó với các học sinh ở trường nhiều hơn, có em cha mẹ không còn, có em còn cha mẹ nhưng lại không nhận được sự quan tâm nên cuộc sống của các em rất thiệt thòi. Vì vậy, cô Hồng tâm niệm mình phải cố gắng bù đắp phần nào những thiệt thòi đó cho các em.

Còn cô Hoàng Mỹ Lệ, tuy mới có 5 năm công tác tại trường nhưng với cô đây là khoảng thời gian thật đáng nhớ. Học chuyên ngành mầm non của Cao đẳng sư phạm Bà Rịa, đã có thời gian là giáo viên mầm non nhưng sau khi lập gia đình cô Lệ xin về công tác tại Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị hữu nghị để được gần nhà. Những ngày đầu về trường, được giao phụ trách lớp dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, cô Lệ vô cùng bỡ ngỡ.

Cô Lệ tâm sự, lúc đầu chưa quen với tính cách từng học sinh, nhiều khi các em quậy phá, nghịch ngợm, cô rất buồn và đã nghĩ đến chuyện bỏ việc. Nhưng, nhờ sự động viên của các đồng nghiệp, sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, cộng với sự kiên trì, nhẫn nại, tìm tòi các phương pháp dạy dành riêng cho những đối tượng học sinh này và trên hết là tình thương đối với những học trò thiệt thòi, cô Lệ dần vượt qua được những khó khăn để gắn bó với trường, với học sinh.

Cô Lệ chia sẻ, khi giảng dạy cho những học trò đặc biệt này, giáo viên phải bằng mọi cách để thu hút trẻ hướng vào bài học, cô giáo phải nói thật chậm, dễ hiểu và nhắc lại nhiều lần, kèm theo đó là hành động minh họa để học sinh dễ nhớ, dễ nhận biết. Bên cạnh việc dạy chữ, các cô còn dạy các em về kỹ năng sống để các em dần quen với cuộc sống tự lập. Những lúc trẻ nghịch, quậy phá...giáo viên phải nhẹ nhàng khuyên bảo. Nhiều gia đình các em gửi con vào trường, đến 30 Tết Nguyên đán cũng không đón con về, những lúc như vậy các cô lại phải đón các em về ăn Tết cùng gia đình mình. Trong hoàn cảnh ấy, các cô càng thương học trò của mình hơn, muốn bù đắp cho các em.

Ở mái trường này, không chỉ cô Hồng, cô Lệ mà tất cả giáo viên trong trường cũng đều dành cho các em học sinh khuyết tật những tình cảm thân thương. Cô Nguyễn Thị Mười, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường đang nuôi dạy 135 học sinh cấp mầm non và tiểu học từ 3 đến 16 tuổi, các em bị các khuyết tật như: Khiếm thị, khiếm thính​-câm, bại liệt-đa tật, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… Nhà trường có 16 lớp học, khu hiệu bộ, khu bếp ăn và khu nội trú được tách biệt, có khuôn viên cây xanh, trang thiết bị dạy học và hồ bơi cho học sinh.

Đối với trẻ bình thường, việc dạy dỗ, chăm sóc đã khó, với trẻ khuyết tật, khó khăn lại nhân lên nhiều lần. Chương trình học của các em cũng không giống những lớp học bình thường khác. Nếu chương trình ở mầm non gồm: Mầm-chồi-lá thì ở Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị hữu nghị, các em được theo học theo 5 nhóm: Chim non, bồ câu, họa mi, sơn ca và sáo nâu. Ở bậc Tiểu học, trẻ bị khiếm thính được học chữ nổi, học nhạc và dệt thảm. Các cô cố gắng trang bị cho trẻ những kỹ năng tối thiểu để hòa nhập cộng đồng.

Ngoài việc dạy chữ cho các em, các cô còn dạy các em tự chăm sóc bản thân như: tắm, mắc màn, gấp mền khi đi ngủ, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn…. Các cô còn dạy các em một số nghề để khi ra trường, các em có thể hòa nhập với cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục