Cấm thi vào lớp 6: Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có "bí" đáp án?

Cấm thi vào lớp 6, sau đó cho phép thi rồi lại cấm thi, liên tục những chỉ đạo thay đổi đến chóng mặt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khiến cho phụ huynh, học sinh và các trường rối càng thêm rối
Cấm thi vào lớp 6: Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có "bí" đáp án? ảnh 1Hiện Hà Nội vẫn chưa có phương án cho việc tuyển sinh vào lớp 6 của một số trường được đông phụ huynh lựa chọn. (Ảnh: TTXVN)

Cấm thi vào lớp 6, sau đó cho phép thi rồi lại cấm thi, liên tục những chỉ đạo trái ngược nhau trong một thời gian ngắn, thậm chí hôm trước cho thi, hôm sau đã cấm, những thay đổi đến chóng mặt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khiến cho phụ huynh, học sinh và cả hiệu trưởng các trường hoang mang, đã rối lại càng thêm rối.

Phụ huynh choáng váng

“Tôi đọc tin mà choáng váng, không thể hiểu nổi. Tôi vừa lên internet để tìm một đống tài liệu về thi IQ, EQ, tải xuống hàng loạt bài mẫu định cho con làm thử, thì lại có quyết định cấm thi. Tôi thực sự hoang mang. Trường cháu muốn học là Marie Curie, nơi có số học sinh đăng ký lớn gấp nhiều lần số chỉ tiêu trường tuyển. Tôi cần biết con tôi sẽ tham gia tuyển sinh vào lớp 6 như thế nào để có sự chuẩn bị cho con mình?” anh Nguyễn Văn Việt, quận Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc nói.

Cũng theo anh Việt, nếu đúng tuyến, con anh sẽ theo học tại trường Trung học cơ sở Việt Nam-Angieri ở quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, anh lại có mong muốn cho học tại trường Marie Curie, dù ở tận quận Cầu Giấy và chi phí cũng đắt hơn.

“Tôi cũng khá băn khoăn về hình thức thi mới là IQ và EQ vì nó quá mới với con mình. Nhưng nếu không thi, tôi cũng không hiểu các trường sẽ xét tuyển kiểu gì,” anh Việt chia sẻ.

Phân tích cụ thể hơn, anh Việt cho rằng việc các trường thu hút nhiều học sinh như Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu… phải có hình thức sàng lọc để chọn thí sinh là điều tất yếu. Tuy nhiên, sẽ rất khó để đưa ra tiêu chí chọn theo hình thức xét tuyển vì năm học này, đánh giá học sinh tiểu học chỉ có hai mức đạt và không đạt, lớp con anh 100% học sinh ở mức đạt. Vì thế, các trường không thể dựa vào tiêu chí này để tuyển sinh. Nếu dựa vào điểm số kỳ thi cuối năm lớp 5 thì tỷ lệ học sinh đạt điểm 9, 10 cũng rất lớn, không đủ để các trường khống chế chỉ tiêu.

“Vậy sẽ tuyển theo hình thức nào? Chúng tôi rất sốt ruột và lo lắng. Theo lịch những năm trước, tháng Năm các trường sẽ bán hồ sơ. Giờ đã là cuối tháng 4 rồi nhưng vẫn chưa có phương án tuyển như thế nào, lại thay đổi chóng mặt. Phụ huynh thực sự quá hoang mang,” anh Việt cho biết.

Hiệu trưởng bó tay

Tuyển sinh theo phương án nào không chỉ là câu hỏi khó với các phụ huynh mà còn là bài toán khó giải với chính lãnh đạo các trường.

“Nếu một trường có 2.000 hồ sơ đăng ký mà chỉ có thể nhận vào học 500 em thì làm thế nào để xét tuyển nếu không được thi tuyển? Đó là một câu hỏi sát sườn, một bài toán mà hầu hết các ông hiệu trưởng bó tay,” phó giáo sư Văn Như Cương chia sẻ.

Cấm thi vào lớp 6: Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có "bí" đáp án? ảnh 2Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ học sinh lớp 5 tham gia các kỳ thi tuyển vào lớp 6 trường điểm, đa số các em lên thẳng lớp 6 theo đúng tuyến. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng “bí” đáp án nên trong công văn hướng dẫn gửi các sở trực thuộc ngày 17/3, Bộ đã “đá” quả bóng này cho các địa phương khi chỉ đạo các trường tự lên phương án và trình sở giáo dục và ủy ban nhân dân địa phương duyệt.

Sau công văn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cho phép một số trường tự đề ra phương án tuyển sinh và ngày 16/4, trong một cuộc họp với Sở, đã có ba trường (Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Siêu) đượt duyệt phương án theo hình thức thi trắc nghiệm các chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ và đánh giá kỹ năng thông qua trò chơi.

Tuy nhiên, chủ trương thi tuyển này không được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua. Một công văn hỏa tốc được gửi xuống Sở yêu cầu tất cả các trường phải thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ xét, không thi tuyển lớp 6.

Ngày 17/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phải có công văn gửi các trường khẳng định cấm tuyệt đối mọi hình thức thi tuyển. Tất cả các trường phải tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, không có ngoại lệ.

“Bao nhiêu công sức của các trường đành đổ xuống sông. Có trường thậm chí đã soạn xong đề mẫu để học sinh tham khảo. Tôi cũng chưa biết sẽ phải xét tuyển như thế nào với thí sinh trường mình. Còn các phụ huynh, chắc họ còn sốt ruột hơn tôi,” phó giáo sư Văn Như Cương ngao ngán nói.

Chỉ tác động đến 1% học sinh lớp 5

Theo ông Cương, giáo dục Việt Nam hiện đã phổ cập đến bậc trung học cơ sở. Điều đó có nghĩa là mọi học sinh đã học xong bậc tiểu học đều có quyền được tiếp tục học lên lớp 6. Các em được xét tuyển theo tuyến, ai ở địa bàn nào, phường hay quận nào thì học tại các trường trên địa bàn đó, trừ một số trường hợp có thể nhận trái tuyến…Như vậy, nói chung, học sinh không phải thi vào lớp 6.

 

Ngoài các lớp trung học cơ sở như bình thường còn có một số trường lớp không mang tính phổ cập. Đó là các trường có chất lượng dịch vụ giáo dục cao, các trường ngoài công lập…Các trường này được phép tuyển sinh không theo tuyến. Vì thế, có một số trường thu hút nhiều học sinh đến nộp đơn xin học hơn chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong trường hợp đó, thường lệ, các trường thường tổ chức kiểm tra, sát hạch, hay khảo sát nào đó… để lựa chọn học sinh theo đúng tiêu chí của trường mình… Số lượng các trường này không nhiều, ở Hà Nội chỉ có 6 trên tổng số hơn 620 trường , chưa đến 1%. Nếu tính trên toàn quốc thì không đến 1% học sinh phải thi vào lớp 6.

“Đưa ra con số như vậy để thấy rằng một chỉ thị “cấm thi vào lớp 6” của Bộ Giáo dục và Đào tạo hài hước và xa rời thực tế đến mức độ nào! Bộ cho rằng chỉ thị này nhằm giảm tải áp lực học tập cho học sinh và nhất là chống dạy thêm, học thêm tràn lan… ‘Chiêu bài’ chống dạy thêm, học thêm… luôn luôn được sử dụng như là một phép mầu để đổi mới giáo dục. Đó là một lối tư duy hết sức nông cạn!”, phó giáo sư Văn Như Cương nhận định.

Vì thế, ông Cương cho rằng, sự thiếu nhất quán trong chỉ đạo tuyển sinh lớp 6 cũng là bài học cho lãnh đạo ngành giáo dục. “Trước khi ban hành một chỉ thị cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sát thực tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia…Phải chú ý đến tính khả thi của chỉ thị và sự đồng thuận của nhân dân,” ông Cương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục