Cảm xúc mãnh liệt của người con Tây Nguyên với Trường Sa

Khẳng định chuyến thăm Trường Sa có nhiều ý nghĩa nhất trong cuộc đời, già làng A Jar kể lại những cảm xúc mãnh liệt của người con Tây Nguyên lần đầu được đến với Trường Sa.
Cảm xúc mãnh liệt của người con Tây Nguyên với Trường Sa ảnh 1Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trung tuần tháng Năm vừa qua, ông A Jar - già làng Plei Đôn ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã có chuyến thăm Trường Sa cùng đoàn công tác của tỉnh.

Khẳng định đây là chuyến đi có nhiều ý nghĩa nhất trong cuộc đời, già làng kể lại những cảm xúc mãnh liệt của người con Tây Nguyên trong lần đầu được đến với Trường Sa.

Niềm vui bất ngờ

Đến với Trường Sa vốn là tâm nguyện, mong ước của mỗi người con đất Việt, nhất là trong những ngày Biển Đông dậy sóng này thì mong ước ấy càng cháy bỏng hơn.

Sinh ra, lớn lên ở Tây Nguyên, già làng A Jar chưa một lần thấy biển, nói gì đến ra Trường Sa. Thế nên, già làng A Jar đã rất bất ngời khi lọt vào danh sách 10 già làng tiêu biểu của toàn tỉnh tham gia Đoàn công tác của tỉnh đi Trường Sa. Thật khó có thể diễn tả hết sự náo nức khi ấy. Cả nhà, cả làng cùng náo nức.

Đêm trước ngày khởi hành, già làng A Jar không ngủ được, mong trời mau sáng để được đến với Trường Sa... Ở nhà khách Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 một đêm, già làng A Jar cũng thao thức mãi, cứ hình dung xem ngày mai sẽ như thế nào. Trong đoàn có tới 75 già làng, trưởng buôn tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên, phần lớn là đi lần đầu nên mọi người đều rất vui, rất háo hức.

Sáng sớm 15/5, khi tàu HQ-571 kéo hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, từ từ tách bến, bắt đầu hành trình đưa đoàn đến với Trường Sa, già làng A Jar có một cảm xúc khó tả. Xung quanh chỉ ít phút trước đó mọi người còn chộn rộn nói cười, chào hỏi, chụp ảnh lưu niệm mà bây giờ im phăng phắc. Đã có những dòng nước mắt lăn dài, những cánh tay vẫy chào lưu luyến...

Ấm tình khơi xa

Tàu càng lúc càng xa dần, già làng A Jar ngoái đầu nhìn lại, cảng Cát Lái nhỏ dần, nhỏ dần, rồi khuất hẳn. Sau khi rời cửa sông Sài Gòn, con tàu băng ra biển, hướng đến Trường Sa. Phải mất nhiều phút sau, A Jar mới hết choáng ngợp trước biển cả quá đỗi mênh mông. Tàu HQ-571 to lớn là thế cũng trở nên nhỏ bé trước đại dương bao la.

Thật ấn tượng khi được biết con tàu đang đưa đoàn ra Trường Sa là chiếc tàu vận tải hiện đại nhất của Vùng 4 Hải quân. Toàn bộ trang thiết bị nội thất và tiện nghi của các phòng đều đẹp; máy điều hòa chạy suốt ngày đêm; hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ; nhà tắm có nước nóng 24/24 giờ...

Đặc biệt ấn tượng là tình cảm nồng hậu của cán bộ, chiến sỹ trên tàu HQ-571 nói riêng và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân dành cho đoàn. Trong suốt hành trình dài hàng ngàn hải lý, mọi chuyện ăn ngủ, sinh hoạt được các anh phục vụ chân tình, chu đáo. Chính sự chăm sóc chu đáo, tận tình ấy đã giúp nhiều già làng vượt qua mệt mỏi của những cơn say sóng triền miên.


Nhớ lắm Trường Sa

Già làng A Jar đang trò chuyện với một già làng ở tỉnh Lâm Đồng thì có tiếng reo "Đảo kia rồi!." Già làng A Jar vội chạy lại mũi tàu, nơi mọi người đã tập trung khá đông. Thế là, sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, đoàn đã đến đảo Trường Sa Lớn - "trái tim" của huyện đảo Trường Sa. Các già làng kêu lên vui sướng: "Trường Sa đây rồi!"

Trên cột mốc chủ quyền, cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh. Anh lính Hải quân trẻ măng bồng súng đứng nghiêm trang, vững vàng trong tư thế bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Trên cầu cảng, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã đứng thành hai hàng chờ đón đoàn. Khó có thể tả hết niềm xúc động dâng trào khi đặt chân lên đảo - một cảm giác thân thương gần gũi đến lạ kỳ.

Sau lễ chào cờ, đoàn được hướng dẫn đi thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ; viếng Tượng đài Liệt sỹ; tham quan nới ăn chốn ở của quân và dân trên đảo... Thật vui khi thấy được với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, đời sống của người dân và bộ đội đã được cải thiện đáng kể. Sự thay đổi ấy hiện diện qua hệ thống năng lượng sạch với những tuabin gió, bảng pin năng lượng Mặt Trời cung cấp điện sử dụng 24/24 giờ; nguồn nước ngọt trên các đảo dồi dào, đủ cho người dân, bộ đội sử dụng; màu xanh của cây cối, rau xanh...

Trong hải trình 10 ngày, già làng A Jar cùng đoàn đã lần lượt thăm các đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài và Nhà giàn DK1. Ở đâu đoàn cũng được đón tiếp bằng tình cảm nồng hậu. Dù thời gian lưu lại tại mỗi điểm đảo không lâu, song mỗi điểm đến, già làng A Jar đều cố gắng tranh thủ xem nơi ăn, ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ để khi về còn kể lại cho vợ con, cho dân làng nghe. Ở nhiều điểm đảo, già làng A Jar đã lặng người trước khẩu hiệu được treo trang trọng: "Còn người còn đảo, còn biển"...

Được tận mắt ngắm nhìn, trải nghiệm cuộc sống trên biển đảo mới thấy cuộc sống của quân và dân ngoài đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng ai cũng yêu đời, kiên cường, quyết tâm bảo vệ biển đảo. Đọng lại trong già làng A Jar nhiều nhất chính là sự cảm phục những con người ở Trường Sa - anh dũng, kiên cường nhưng cũng thật gần gũi, thân thương. Với những con người ấy, Trường Sa mãi mãi hiên ngang giữa phong ba bão tố, trường tồn cùng đất nước. Niềm cảm phục ấy cứ đầy dần lên sau mỗi điểm đến, cho đến ngày cuối của hành trình, không ai cầm được nước mắt lúc chia tay. Về đất liền, về Tây Nguyên sẽ nhớ lắm, Trường Sa ơi...

Câu chuyện về Trường Sa cứ thế kéo dài đến khi Mặt Trời gác núi và có lẽ còn kéo dài nữa nếu như A Jar không có khách. Ông "khoe" từ hôm về đến giờ, ngày nào cũng có người tìm đến để nghe kể chuyện Trường Sa. Sau khi nghe một cách tường tận những gì mà ông nhìn thấy, cảm nhận được, bà con ai cũng cảm động và khâm phục các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm bám biển, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục