Campuchia 40 năm ngày ấy và bây giờ: "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam"

Theo nhà báo Khieu Kola, sau ngày Battambang được giải phóng, ai cũng yêu thương bộ đội Việt Nam vì thấy tận mắt họ đã hy sinh xương máu để giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Campuchia 40 năm ngày ấy và bây giờ: "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam" ảnh 1Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Khieu Kola - Ủy viên Ban lãnh đạo câu lạc bộ nhà báo Campuchia.

Tôi đã xấp xỉ tuổi 60, đã sống trong chiến tranh và trải qua chế độ diệt chủng khủng khiếp từ hơn 40 năm trước. Tôi không quên và sợ phải quên đi những kỷ niệm về một cuộc sống cực khổ, làm việc như nô lệ dưới thời Campuchia dân chủ khát máu, bè lũ Pol Pot đàn áp và giết hàng triệu người từ ngày 17/4/1975 đến ngày 7/1/1979.

Từ giữa năm 1977 đến tháng 3/1979, tôi sống tại huyện Moung Ruessei (tỉnh Battambang) cách Phnom Penh khoảng 250km về phía Tây. Đó là nơi tôi phải lao động nhọc, xa tỉnh Prey Veng quê nhà (giáp biên giới Việt Nam) sau khi bọn Pol Pot tiến vào Phnom Penh ngày 17/4/1975.

Vì tranh chấp ở nội bộ AngKar (tên gọi cũ của Đảng Cộng sản Campuchia), bè lũ Khmer Đỏ do Pol Pot và Nuon Chea cầm đầu coi người dân và cán bộ vùng Đông của đất nước là người ủng hộ Việt Nam, thậm chí còn gọi là tay sai của “kẻ thù Việt Nam” nên tôi thuộc 1 trong số hơn 1 triệu người bị đuổi khỏi quê nhà (giáp tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam) ra đi tỉnh Battambang như kể trên.

Thời ấy, tôi sống một mình xa bố và gia đình (mẹ tôi đã mất vào thời đầu 1971) và 4 anh em trai. Một đêm đầu tháng Ba năm 1979, tôi đã nghe tiếng súng nổ và xích xe tăng sầm sập đổ về. Một bạn tôi cùng tổ thanh niên kín đáo bảo, ông đã nghe trường ấp của Khmer Đỏ nói rằng bộ đội Việt Nam vừa mới đánh chiếm trụ sở huyện của Khmer Đỏ tại thị trấn Moung Ruessei. Tôi đáp lại với bạn tôi rằng “thế thì tốt cho chúng ta rồi, nếu như bộ đội Việt Nam tới làng thì chúng ta sẽ sống và tất nhiên, nếu không thế thì trước sau chúng ta chỉ có chết. Hoặc bị chúng giết hoặc bị chết đói mà thôi.”

Bạn tôi và tôi bàn bạc. Chúng tôi tin nhau và không tin lời tuyên truyền của Khmer Đỏ, rằng quân đội Việt Nam tới Campuchia thì chẳng có cơm, chỉ ăn cám mà thôi.

[Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết]

Tiếng súng nổ ngày càng lớn, cảm giác chỉ cách làng tôi ở khoảng vài cây số về phía Nam thị trấn Moung Ruessei. Quân Khmer Đỏ sợ hãi tháo chạy khỏi làng, chúng khăng khăng lùa dân vào rừng sâu nhưng chẳng ai đi theo. Khmer Đỏ trốn cả, chúng còn phát tin bịa đặt rằng ai không chạy, Việt Nam sẽ giết nhưng tôi và dân làng không tin. Thực tế, chúng mới chính là những kẻ giết người mà chúng tôi đã là nhân chứng cho điều đó. Tất cả đã trải qua những ngày đen tối và chứng kiến sự dã man của bọn Angkar áo đen. Tôi đã thấy tận mắt bộ đội Việt Nam vào làng, nhìn thấy xe tăng của bộ đội ai ai cũng mừng.

Campuchia 40 năm ngày ấy và bây giờ: "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam" ảnh 2Tác giả Khieu Kola - Ủy viên Ban lãnh đạo câu lạc bộ nhà báo Campuchia

“Phum soóc được giải phóng rồi, hoan hô bộ đội Việt Nam,” ai cũng hoan hỉ reo lên, mừng quá, mừng đến chảy nước mắt. Tôi coi đây là niềm vui vô hạn trong đời mình, “Ôi niềm vui biết bao vì được sống lại.”

Tất nhiên, ở thời điểm đó, chẳng ai dám nói ra tin về ngày 7/1/1979 thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng. Nó chỉ được người ta bí mật truyền tai nhau. Đã có nhiều người bị Angkar bắt đi giết nếu bị chúng phát hiện tung ra tin này.

Sau ngày Battambang được giải phóng, dân làng tôi ai ai cũng yêu thương bộ đội Việt Nam vì thấy tận mắt họ đã hy sinh xương máu để giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, chăm sóc người dân, phân phối lương thực, thuốc men. Tuyệt đối không có hành động nào làm mất lòng dân như lời xuyên tạc của bè lũ Khmer Đỏ.

Ngay sau ngày giải phóng 7/1/1979, suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải đi học, tiếp tục học. Nhưng lòng căm thù chế độ diệt chủng đã thôi thúc tôi tham gia lực lượng Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia chiến đấu chống tàn quân Khmer Đỏ từ giữa năm 1979 đến giữa năm 1980 ở Battambang. Sau đó, nhận được tin bố tôi và 3 anh trai nữa của tôi vẫn còn sống (em trai út của tôi bị giết thời Pol Pot), tôi quyết định xin xuất ngũ về Phnom Penh để gặp lại bố và anh trai cả làm việc tại Thông tấn xã Campuchia SPK.

Cuốn sách đổi đời

Tới Phnom Penh, tôi lại tiếp tục đi học trường phổ thông trung học rồi sau đó vào giữa năm 1981, tôi tham gia lớp học tiếng Việt 6 tháng tại Thông tấn xã Campuchia SPK.

Hồi đó, SPK do ông Chey Saphon người Campuchia làm Tổng Giám đốc, chính ông ấy là người sáng lập ra lớp học tiếng Việt. Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm bà vợ ông Chey Saphon đã tặng tôi cuốn từ điển Việt-Khmer. Cuốn từ điển ấy mở mang kiến thức, hiểu biết, là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi, từ một người nô lệ thành bộ đội, học sinh, cán bộ thanh niên của Đảng Nhân dân Campuchia, nhà báo, nhà văn, tất nhiên sau 40 năm phải trở thành một ông chồng, ông nội, ông ngoại của 4 đứa cháu, và tất nhiên có một cô con gái là MC nổi tiếng tại Vương quốc Campuchia, nàng Sansana. Tôi nghĩ rằng tục ngữ Việt Nam có câu “Con hơn cha là nhà có phúc” là rất đúng.

Campuchia 40 năm ngày ấy và bây giờ: "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam" ảnh 3Lực lượng quần chúng Campuchia diễu hành qua lễ đài tại cuộc míttinh kỷ niệm một năm Ngày Chiến thắng 7/1, được tổ chức sáng 7/1/1980 ở thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: TTXVN)

40 năm đã trôi qua. Ôn lại chặng đường 4 thập kỷ đầy khó khăn, vất vả nhưng đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người dân Campuchia nói chung và gia đình tôi nói riêng. Đất nước hồi sinh, hòa bình hoàn toàn trên toàn quốc, hòa hợp dân tộc dưới ngôi vị của Quốc vương và sự lãnh đạo đất nước của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia. Thủ tướng Chính phủ đã từng nói “tôi tin Việt Nam” và khẳng định “không có Việt Nam (giải phóng) nhiều người Campuchia nữa sẽ chết, trong đó có thể có cả vợ và con tôi."

Đối với tôi, lời cảm xúc của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia phản ánh chân lý sự thật từ 40 năm qua, rằng nếu không có ngày 7/1/1979 bộ đội Việt Nam giúp đỡ bộ đội Heng Samrin của Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia để giải phóng đất nước Chùa tháp thoát khỏi nạn diệt chủng, sẽ không có ngày nay và tất nhiên không có bài viết này.

Năm 2018, Vương quốc Campuchia đã trở thành một đất nước phát triển, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7% giúp thu nhập bình quân tăng liên tục. Đời sống đã thay đổi từ khổ đau tới hòa bình và phát triển như ngày nay của đa số người dân làm tôi nhớ lại công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, bộ đội tình nguyện Việt Nam trên đất nước kỳ quan Angkor Wat.

Thế hệ trẻ của Campuchia đang sống trong hòa bình, cha mẹ và ông bà họ được cứu sống từ một chế độ diệt chủng 40 năm trước, họ nên noi theo thế hệ cha mẹ, cố gắng phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp, hòa bình. Nghĩa vụ của cả hai thế hệ cha anh và con cháu là “giữ bằng được tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia,” phát triển đất nước trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vận mệnh hai dân tộc Campuchia-Việt Nam là không thể tách rời nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng nói rằng mối quan hệ đoàn kết Việt Nam-Campuchia là đoàn kết thật lòng, đoàn kết bằng hành động, không phải đoàn kết bằng miệng.” Đối với tôi Việt Nam là bạn, là thầy, là giải phóng quân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục