Cần 50 tỷ euro cho hệ thống ngân hàng tại Hy Lạp

Ngân hàng Trung ương Hy Lạp ngày 27/12 khẳng định nước này cần khoảng 50 tỷ euro để tái cấp vốn và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương Hy Lạp ngày 27/12 khẳng định nước này cần khoảng 50 tỷ euro để tái cấp vốn và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực.

Báo cáo của Ngân hàng trung ương Hy Lạp nêu rõ số tiền trên sẽ được trích từ khoản tín dụng mà Hy Lạp vay của các chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đủ để bồi thường thiệt hại cho các ngân hàng do phải tái cơ cấu các khoản nợ công, cũng như do khủng hoảng kinh tế trong nước.

Cụ thể để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp cần khoảng 40,5 tỷ euro, trong đó 27,5 tỷ được dành cho bốn ngân hàng lớn nhất nước này gồm Ngân hàng quốc gia Hy Lạp, Alpha Bank, Eurobank và Piraeus.

Khoảng 1,4 tỷ euro sẽ được sử dụng cho quá trình thay đổi chủ sở hữu tại một loạt ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại như ATEbank, Proton Bank, T-Bank... Ít nhất 3,1 tỷ euro dùng để dự phòng khả năng phải tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ trong tương lai và 5 tỷ euro dùng làm "vốn đệm" đề phòng trường hợp cục diện kinh tế hiện nay xấu đi.

Bốn ngân hàng hàng đầu của Hy Lạp, vốn được coi có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống ngân hàng, đã bị thiệt hại nặng nề vì buộc phải tái cơ cấu các khoản nợ công Hy Lạp và mua lại trái phiếu chính phủ trong năm nay.

Tổng cộng trong năm 2011, bốn ngân hàng này bị thiệt hại hơn 28 tỷ euro và chỉ tính riêng chín tháng đầu năm nay, con số thiệt hại đã lên tới gần 27,5 tỷ euro.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đã quyết định giải ngân 49,1 tỷ euro trong gói cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp vào đầu năm tới, đổi lại Athens phải cam kết thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu mới.

Trước những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard and Poor's (S&P) đã nâng mức đánh giá tín nhiệm nợ công của Hy Lạp từ mức "vỡ nợ một phần" lên B- (đối với nợ dài hạn) và B (đối với nợ ngắn hạn), với triển vọng "ổn định".

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cam kết sẽ tiếp tục chấp nhận trái phiếu Chính phủ Hy Lạp như vật cầm cố cho các khoản vay của ngân hàng trung ương nước này./.
 
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục