Cân bằng cảm xúc, nạp năng lượng bằng chuyến 'du lịch chữa lành'

Nếu như du lịch chữa bệnh (Medical tourism) tập trung vào việc khám, chữa bệnh thì du lịch chữa lành thiên về nghỉ ngơi, thư giãn, giúp du khách nuôi dưỡng thể chất và tinh thần.
Cân bằng cảm xúc, nạp năng lượng bằng chuyến 'du lịch chữa lành' ảnh 1Chuẩn bị nguyên liệu cho một phòng xông hơi bằng các loại thảo dược. (Nguồn: Vietnam+)

Sau một thời gian bù đầu trong công việc với hàng loạt "deadline" nối tiếp nhau, chị Lê Phương Lan ở Thanh Trì, Hà Nội, quyết định cùng nhóm bạn rời xa Hà Nội vài ngày, lên Sa Pa (Lào Cai) để "nạp năng lượng."

Ở một homestay tại Sa Pa, chị Lan và nhóm bạn sử dụng dịch vụ xông hơi thư giãn bằng các loại thảo dược, giúp cơ thể nhẹ nhõm, đầu óc khoan khoái. Sáng sớm, họ trải thảm ra sân homestay thiền rồi tập yoga. Được hít thở không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên, chị Lan thấy thật thư giãn.

"Tôi đã có một quyết định đúng đắn khi lựa chọn loại hình du lịch chữa lành để hồi phục sức khỏe cả thể chất và tinh thần sau những ngày tháng căng thẳng, mệt mỏi," chị Lan tâm sự.

Du lịch chữa lành có lẽ là khái niệm còn mới mẻ đối với nhiều người. Thực tế, loại hình này khá phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu nở rộ tại Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Du lịch chữa lành là gì?

Du lịch chữa lành (Wellness tourism) được biết đến là loại hình du lịch có thiên hướng cân bằng sức khỏe. Đây là sự kết hợp giữa ngành du lịch truyền thống và ngành chăm sóc sức khỏe để phục vụ cho nhu cầu sống lành mạnh của mỗi du khách.

Nếu như du lịch chữa bệnh (Medical tourism) tập trung vào việc khám, chữa bệnh thì du lịch chữa lành thiên về nghỉ ngơi, thư giãn, giúp du khách nuôi dưỡng thể chất và tinh thần.

Chương trình du lịch chữa lành thường không bao gồm nhiều hoạt động di chuyển, tham quan các điểm đến du lịch mà được thiết kế với những hoạt động thể chất, tâm lý hay tâm linh nhằm tăng cường sức khỏe cho du khách.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch Sức khỏe Thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022, có 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý...

Du lịch chữa lành đã trở thành loại hình phổ biến ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...

[Điểm đến Việt Nam ngày càng hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế]

Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những điểm đến hàng đầu  của khách du lịch quan tâm tới loại hình du lịch này.

Trước đại dịch COVID-19, đã có 3,42 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Thái Lan vì mục đích chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, tạo ra doanh thu 140 tỷ baht (3,99 tỷ USD).

Ngành chức năng dự kiến loại hình du lịch này có thể mang lại doanh thu 25 tỷ baht cho Thái Lan trong năm 2023 này.

Trong Kế hoạch Phát triển Du lịch Quốc gia lần thứ ba giai đoạn 2023-2027, Thái Lan đặt mục tiêu lọt top 5 điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch sức khỏe theo xếp hạng của Viện Sức khỏe Toàn cầu, với mức tăng trưởng trung bình của riêng lĩnh vưc này là 8%/năm.

Các điểm đến "chữa lành" ở Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển mạnh loại hình du lịch chữa lành.

Việt Nam có nhiều điểm suối khoáng nóng, bùn khoáng trải dài cả nước, nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa...

Thực tế, các địa phương đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mình để cho ra đời nhiều sản phẩm thuộc loại hình du lịch chữa lành.

Với nhiều lợi thế về cảnh quan, nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm cùng các kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của đồng bào các dân tộc, Lào Cai đang là điểm dừng chân của nhiều du khách lựa chọn loại hình du lịch chữa lành.

Mới đây, Lào Cai đã cho ra mắt sản phẩm "Du lịch chữa lành năm 2023." 

Lựa chọn sản phẩm này, du khách được trải nghiệm tour du lịch chữa lành kết hợp luyện tập Yoga và tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe với 5 lựa chọn: Yoga trên danh thắng núi Hàm Rồng; Yoga kết hợp các phương pháp trị liệu truyền thống dân tộc Dao đỏ Tả Phìn; Yoga và danh thắng ruộng bậc thang; Yoga kết hợp giải pháp trị liệu "Tắm rừng" tại Suối Vàng-Thác Tình yêu; Yoga kết hợp khám phá văn hóa dân tộc Mông Hầu Chư Ngài.

Cân bằng cảm xúc, nạp năng lượng bằng chuyến 'du lịch chữa lành' ảnh 2Tập Yoga giữa thiên nhiên trong lành để kiểm soát và cân bằng cảm xúc. (Nguồn: Vietnam+) 

Trong khi đó, với hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với thiên nhiên cùng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, hệ thống đầm phá, bãi biển đẹp, Thừa Thiên-Huế hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch chữa lành, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nếu như hệ thống suối nước khoáng nóng thích hợp cho các phương thức thủy liệu pháp thì hệ thống đồi núi, rừng thích hợp triển khai các hoạt động rèn luyện sức khỏe và hoạt động thể dục, thể thao.

Ngành du lịch của tỉnh đang chú trọng quảng bá các lợi thế này nhằm thu hút du khách và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án du lịch, trong đó có du lịch chữa lành để tạo sự khác biệt cho du lịch Thừa Thiên-Huế.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là một trong những địa phương có dư địa rất lớn trong phát triển du lịch chữa lành gắn với loại cây trồng đặt thù ở địa phương là hoa sen.

Gắn với hình ảnh hoa sen, nhiều khu du lịch ở Đồng Tháp rất phù hợp để tổ chức hoạt động nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng trong không gian xanh mát; giới thiệu du khách thưởng thức món ăn giàu dinh dưỡng, được chế biến từ sen...

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo ở các thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, hai huyện Côn Đảo, Long Điền hay nguồn nước suối nóng Bình Châu ở huyện Xuyên Mộc...

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch chữa lành, tuy nhiên, việc khai thác loại hình này ở Việt Nam chưa xứng với tiềm năng. Do đó, ngành du lịch và các địa phương cần xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chữa lành phù hợp từng phân khúc thị trường khách theo độ tuổi, nền văn hóa, tạo được nét đặc thù của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục