Cần bếp "Hoàng Cầm" cho công nghiệp không khói

Việc dàn hàng ngang trong các hình thức xúc tiến du lịch đang khiến ngành này vào hoàn cảnh: Ít tiền nhưng vẫn xài sang dẫn đến tiêu hoang vô bổ.
"Cách đây gần 100 năm, ngày 15/9/1910, diễn ra sự kiện chiếc máy bay đầu tiên cất cánh ở châu Á là xuất phát từ sân quần ngựa Phú Thọ Hòa (Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, chiếc máy bay này đã được mang đi biểu diễn tại Thái Lan và Hồng Kông.

Và cách đây vài năm, tại sân bay mới xây ở Hồng Kông, người ta đã phục chế, hoàn thiện mô hình chiếc máy bay cùng viên phi công đem treo trên mái của sảnh sân bay như sự ghi nhận về truyền thống hàng không của nước này.

Trong khi đó thì ở Thành phố Hồ Chí Minh, điểm xuất phát của chuyến bay đầu tiên thì cả ngành du lịch và hàng không Việt Nam vẫn chưa thấy động tĩnh gì để quảng bá hình ảnh Việt Nam như một địa danh đầu tiên trong lịch sử hàng không châu Á."

Đó là câu chuyện kể với phong vị chua chát của nhà sử học Dương Trung Quốc để chỉ ra điểm yếu hiện nay của những người làm công tác xúc tiến du lịch.

Ít tiền vẫn tiêu hoang

Câu chuyện xúc tiến thế nào để đạt hiệu quả là câu chuyện dài tập ở ngành du lịch. Với chặng đường 20 năm làm nghề và trong 10 năm qua, mỗi năm ngân sách Nhà nước cấp cho xúc tiến du lịch quốc gia khoảng hơn 20 tỷ đồng (năm 2010 là 41 tỷ đồng) nhưng Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình vẫn thừa nhận rằng: “Nhiều nơi trên thế giới người ta vẫn nghĩ Việt Nam đang bị chia cắt hai miền Nam-Bắc hoặc vẫn còn chiến tranh với Mỹ! Do đó, nhận thức và hiểu biết của họ về Việt Nam còn rất… mù mờ.”

Những năm trở lại đây, hoạt động xúc tiến "vip" đã được thúc đẩy mạnh mẽ, cuối năm 2007, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN với chi phí 275.000 USD, phát sóng 182 lần clip “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn” (Vietnam - the hidden charm) trong 3 tháng.

Sang năm 2009, Bộ tiếp tục thực hiện việc quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình BBC World News với chi phí 204.600 USD, phát sóng 320 lần trong tám tuần ở châu Á - Thái Bình Dương, sáu tuần ở châu Âu và sáu tuần ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, cách quảng bá này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn chưa kể đến việc lại nảy sinh tranh cãi. Một số doanh nghiệp du lịch cho rằng BBC và CNN là hai kênh truyền hình hàng đầu thế giới song người xem chủ yếu quan tâm đến những vấn đề chính trị - kinh tế mang tính thời sự nên quảng cáo hình ảnh văn hóa - du lịch trên đó ít hiệu quả trong khi chi phí lớn.

Bên cạnh đó, muốn tiếp thị hình ảnh cần phải thực hiện dài hơi và tập trung  mới mong “mưa dầm thấm đất" nhưng  ngành du lịch chỉ cắt từng đó kinh phí nên chỉ có thể quảng bá trong thời gian ngắn và liên tục đổi kênh khiến hiệu quả là không cao.

Không chỉ  “vung tay” cho việc quảng bá hình ảnh trên truyền hình, ngay cả việc xúc tiến du lịch tại chỗ  theo các chuyên gia là "cũng có vấn đề." Tiến sỹ Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết, con số danh mục 50 khu du lịch quốc gia và hơn 100 khu du lịch quốc tế mà ngành du lịch đưa ra là quá nhiều. Điều này đã làm phân tán nguồn lực dẫn đến hiện không một khu du lịch nào trong quy hoạch và chiến lược của ngành được đầu tư và phát triển một cách thỏa đáng.

Việc dàn hàng ngang trong quảng bá các khu du lịch này như thời gian qua đã làm giảm tốc độ, hiệu quả và chất lượng phát triển của du lịch, ông Hải nhấn mạnh.

Gộp vào một rổ để nấu lẩu?


Năm 2010, toàn ngành du lịch Việt Nam phấn đấu thu hút 5,5 đến 6 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa từ 25 đến 26 triệu lượt người, thu nhập du lịch đạt 4 đến 4,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2010 lượng du khách quốc tế ước đạt 2,51 triệu lượt. Như vậy, “yếu tố ngoại nhập” trong 6 tháng đầu năm chưa được một nửa so với yêu cầu và thực sự gánh nặng xúc tiến đang đè lên vai những người làm công tác du lịch.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thì thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Thái Bình Dương. Chú trọng khai thác lợi thế hành lang Đông-Tây để hút khách du lịch.

Cùng đó, ông Tuấn cũng khẳng định sẽ "đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thu hút du khách từ các khu vực Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Scandinavia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), thị trường mới nổi Đông Âu (Nga, Séc, Ucraina). Chú trọng khai thác thị trường láng giềng (Lào, Campuchia). Mở rộng thị trường mới sang khu vực Nam Á (Ấn Độ) và Trung Đông. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút khách du lịch nội địa..."

Với các phân loại thị trường này, thì không hiểu đâu là trọng tâm, trọng điểm mà ngành du lịch hướng tới? Có cảm giác như Tổng cục Du lịch đã gộp tất cả vào “một rổ”  để nấu một nồi thập cẩm theo kiểu "con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn."

Có thể khẳng định ngay rằng, không thể làm tốt với chừng ấy thị trường dù rằng kinh phí dành cho việc tiếp thị chiếm phần lớn tổng kinh phí chung cho hoạt động xúc tiến quảng bá hàng năm và riêng năm nay đã  được cấp tới 41 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với 2009)?!

Thiếu “bếp Hoàng Cầm”

Có lẽ, không mãi “tiềm ẩn," thì ngành công nghiệp không khói của Việt Nam phải cần có người chụm lửa và thiết kế  một chiếc “bếp Hoàng Cầm,”  điều này không những đòi hỏi tài mà còn cả tâm nữa.

Theo Tiến sỹ Lưu Đức Hải, tài nguyên lớn nhất, quyết định sự phát triển của du lịch Việt Nam là tài nguyên du lịch biển, tài nguyên du lịch núi và tài nguyên du lịch của 7 di sản văn hóa thế giới. Do vậy, để phát triển du lịch hiệu quả hơn, Việt Nam nên ưu tiên phát triển, quảng bá với 3 sản phẩm du lịch lựa chọn là: du lịch biển, du lịch núi, du lịch tham quan các di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Hải, chỉ nên lựa chọn 6 khu du lịch trong cả nước để tập trung ưu tiên đầu tư, quảng bá nhằm tạo ra 6 khu du lịch nổi tiếng thế giới, đó là các khu du lịch: Phú Quốc; Nha Trang; Vân Đồn- Hạ Long- Cát Bà; Đà Lạt; Tam Đảo và phụ cận; Huế - Hội An./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục