Cần biên chế cho các nhà tư vấn tâm lý học đường

Tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần biên chế cho các nhà tư vấn tâm lý học đường.
Tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một giải pháp quan trọng và cấp bách hiện nay là các nhà trường cần có biên chế cho các nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.

Theo tiến sĩ Nga, các nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp là những người có khả năng chẩn đoán tâm lý trẻ vị thành niên, thiết lập các biện pháp can thiệp sớm cho tình trạng tâm lý của học sinh; người có thể đưa ra những lời khuyên và tư vấn đúng đắn, phù hợp với tình trạng tâm lý của từng trường hợp. Đây là một giải pháp cần thiết của các nhà quản lý giáo dục, trong việc thúc đẩy các cấp lãnh đạo sớm ban hành chính sách về biên chế một cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý cho mỗi trường phổ thông.

Tiến sĩ Nga cho biết, ở học sinh tuổi vị thành niên đang nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống tâm lý-xã hội như tình trạng nghiện internet, trò chơi trực tuyến, mắc chứng trầm cảm, bạo lực học đường, lạm dụng chất gây nghiện... Học sinh dành quá nhiều thời gian lên mạng, tán gẫu, gửi và nhận thư điện tử, vào những trang web cấm...

Thống kê của Google Trends cho thấy tháng 9 và 10/2008, số câu lệnh tìm kiếm chứa "sex" xuất phát từ các địa chỉ IP Việt Nam nhiều nhất, đẩy Ai Cập, Ấn Độ xuống hàng dưới. Trong khi các năm 2005, 2006, Việt Nam chưa hề có tên trong top 10 của thống kê cho từ này.

Chứng trầm cảm ngày càng tăng ở học sinh do áp lực của việc học quá lớn từ chương trình học nặng nề ở nhà trường, từ phía cha mẹ. Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy có gần 85% số học sinh luôn căng thẳng tâm thần do áp lực của việc học tập, 61% trẻ luôn căng thẳng do áp lực của các kỳ thi, kiểm tra và 63% học sinh gặp khó khăn trong học tập do khối lượng kiến thức quá lớn.

Những phân biệt đối xử của ông bà, cha mẹ thậm chí định kiến bất bình đẳng về giới cũng có tác động đến ứng xử của trẻ. Trẻ em vô tình bị đẩy vào những tình huống buộc phải tự lập cũng như phải đối mặt với quá nhiều tác động có hạn do mặt trái của nền kinh tế thị trường, trong khi các em không có cơ hội trang bị đủ kiến thức cần thiết về tâm lý. Trẻ yêu sớm cũng là một nguyên nhân.

Yêu ở độ tuổi mới lớn thường khiến trẻ có những hành vi nông nổi, lắm lúc không có ý nghĩa, đặc biệt, có thể dẫn đến một số biểu hiện liên quan đến tâm thần như trầm cảm, chán nản, tự sát và cả phạm tội giết người. Đối với trẻ là con trai, một cú sốc trong chuyện tình cảm thường khiến chúng có những toan tính và hành động thiếu suy nghĩ, với trẻ gái lại là những căng thẳng về nội tâm, thần kinh dẫn đến trầm cảm, chán nản, tự sát và cả phạm tội giết người.

Phòng ngừa, ngăn chặn những vấn đề trên cần có các giải pháp như cấm sử dụng các chất gây nghiện, nghiêm cấm tàng trữ và buôn bán các chất gây nghiện... Nhà trường cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh, khi phát hiện những học sinh có biểu hiện trầm cảm, rối loạn tâm lý, lạm dụng chất gây nghiện, hành vi bạo lực... phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an và gia đình để có biện pháp phối hợp giáo dục, ngăn chặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục