Cán bộ ăn lương từ thuế của dân, phải có nghĩa vụ công khai tài sản

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn Quốc hội Đà Nẵng, là cán bộ nhà nước là công bộc của dân, ăn lương từ đồng thuế của dân thì phải có nghĩa vụ phải chứng minh tài sản.
Cán bộ ăn lương từ thuế của dân, phải có nghĩa vụ công khai tài sản ảnh 1Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là một loạt các vụ án về tham nhũng đã được xét xử, thậm chí có cả cán bộ thuộc hàng cao cấp đã bị xử lý nghiêm khắc.

Không những vậy, sự quyết liệt của công cuộc phòng chống tham nhũng còn góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo niềm tin của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 21/5, tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề phòng, chống tham nhũng.

[Tổng Bí thư: Ai đã trót ít, nhiều nhúng chàm thì tự gột rửa đi]

- Ông đánh giá thế nào về những dự luật được trình trong kỳ họp Quốc hội lần này?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Hầu hết các dự án luật được đưa ra lấy ý kiến của quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đều là các dự án luật quan trọng bởi vì nó tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội của đất nước.

Bản thân tôi quan tâm nhiều nhất đến luật phòng chống tham nhũng, kỳ vọng của tôi là trong kỳ họp lần này Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận mang tính quyết định để xử lý những vấn đề còn lại mà thời gian quan chúng ta có nhiều ý kiến tranh luận nhưng chờ tiếp thu, chỉnh lý cuối cùng của ban soạn thảo.

Kỳ họp này cũng như các kỳ họp khác, chúng ta sẽ thảo luận và cho ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau nhưng cái quan trọng nhất là báo cáo tình hinh kinh tế xã đầu 6 tháng đầu năm của Chính phủ, tôi tin rằng sẽ có nhiều ý kiến.

Chúng ta phấn khởi trước kết quả đạt được của thành quả phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm nhưng không phải đã hoàn mỹ, đằng sau nó còn có những vấn đề mà dư luận, cử tri, đại biểu vẫn tiếp tục quan tâm.

- Hội nghị Trung ương vừa qua cũng nhấn mạnh đến công tác chống tham nhũng, vậy theo ông, tại kỳ họp Quốc hội lần này, luật chống tham nhũng cần tập trung làm rõ những vấn đề gì?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Quan điểm của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 vừa qua làm rõ thêm và tạo ra những tiền đề giải quyết những vướng mắc còn lại trong thời gian vừa qua vẫn còn những tranh luận khác nhau.

Đó là nặng về công tác tổ chức cán bộ của chúng ta được thể chế hóa ở trong đó như thế nào? vấn đề liêm chính, xung đột lợi ích, kê khai tài sản, minh bạch tài sản… trách nhiệm của những người kê khai tài sản trong việc chứng minh tài sản tiếp tục làm rõ.

Khi chúng ta làm rõ sẽ giải quyết được những vướng mắc mà trong thời gian còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật phòng chống tham nhũng.

Trong quá trình phát triển, cũng như nhiều quốc gia khác, công tác phòng chống tham nhũng nói chung là luật phòng chống tham nhũng phải đi cùng với quá trình phát triển, đặc biệt là phù hợp với trình độ quản lý xã hội của đất nước, thể chế đó.

Sắp tới luật phòng chống tham nhũng được thông qua không có nghĩa là chúng ta có công cụ toàn vẹn mà chúng ta phải hiểu rằng đang bắt đầu một quá trình mới đề nâng tầm công tác phòng chống tham nhũng.

- Ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới của luật chống tham nhũng lần này?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Có thể thấy, Luật lần này đưa vào chế định mới mà lâu nay đã nằm rải rác trong các quy định của nhà nước và Đảng như trách nhiệm công vụ, xung đột lợi ích, quà tặng, liêm chính… đưa trở thành một chế định quan trọng, vừa là quy tắc ứng xử nhưng cũng là đạo đức công vụ.

Những cái đã là quy định, công cụ trước đây mà chúng ta thường nói chung chung, không có hiệu quả như kê khai tài sản nhưng không gắn với thẩm tra xác minh, không gắn kê khai với trách nhiệm chứng minh.

Đến bây giờ khi đưa quy định vào vẫn còn nhiều tranh luận khác nhau, nên hay không nên chủ thể đó phải chứng minh, quan điểm của tôi là cán bộ nhà nước là công bộc của dân, ăn lương từ đồng thuế của dân thì người đó có nghĩa vụ phải chứng minh tài sản.

Đó hoàn toàn hợp lý và theo thông lệ quốc tế chứ không riêng gì Việt Nam. Chúng ta phải hoàn thiện chặt chẽ quy định này.

- Vậy cử tri Đà Nẵng đã gửi tâm tư gì tới Quốc hội lần này, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Cử tri Đà Nẵng tâm trạng trong một số sai sót trong quản lý đất đai của thành phố trong thời gian vừa qua đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cử tri và nhân dân Đà Nẵng mong muốn qua kỳ họp lần này Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành tạo điều kiện cho Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn vướng mắc này sinh trong quá trình xử lý sai phạm để tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư phát triển sản xuất.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục