Cần bổ sung quy định trong luật về các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Theo Tờ trình của Chính phủ, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm vốn đang tồn tại trong thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Cần bổ sung quy định trong luật về các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ảnh 1Hoạt động tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 25/4, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Phiên họp nêu rõ tờ trình của Chính phủ khẳng định, để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đảm bảo mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi Hiệp định là cần thiết.

[Triển vọng của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2019]

Theo Tờ trình, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm vốn đang tồn tại trong thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có quy định về dịch vụ này.

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm càng phát triển thì dịch vụ phụ trợ bảo hiểm càng tác động lớn đến sự lành mạnh của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các bên tham gia bảo hiểm giảm thiểu rủi ro; đề phòng, hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia bảo hiểm…

Đề xuất bổ sung quy định về kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự luật cũng có những quy định cụ thể về đáp ứng điều kiện với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và điều kiện với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Dự luật thể hiện việc chuẩn hóa các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn; không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, mà chỉ đưa ra điều kiện làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh: “Quy định này phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.”

Các ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nên các quy định để kiểm soát, quản lý dịch vụ này phải phù hợp để vừa tạo thuận lợi cho chủ thể kinh doanh, nhưng cũng phải bảo đảm sự an toàn của thị trường và bảo đảm khách hàng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có chất lượng.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là đã, đang và sẽ tiếp tục nghiêng về hậu kiểm. Thực tế, việc thực hiện hậu kiểm vẫn bảo đảm được vai trò của quản lý nhà nước thông qua các cơ chế kiểm soát từ xa, như kiểm tra việc cấp giấy chứng chỉ đào tạo; thông tin báo cáo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất và thông qua đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp.

Các đại biểu cũng đặt vấn đề về việc Hiệp định CPTPP chỉ có hiệu lực với 11 nước thành viên, giờ đây để tương thích với CPTPP mà phải sửa đổi luật thì có hợp lý không. Lý do là khi sửa luật thì sẽ có giá trị áp dụng chung cho tất cả, không riêng các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên CPTPP.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời trước khi Việt Nam gia nhập WTO, thực tế khi đó cũng không xuất hiện nhiều dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm thường thực hiện luôn các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nên không cần thiết phải sửa luật.

Tuy nhiên, hiện nay do sự chuyên môn hóa rất cao trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để bổ sung quy định về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục