Cán cân quyền lực giữa Mỹ-Trung Quốc-Nhật Bản ở Đông Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán với Nhật Bản về tình trạng thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ.
Cán cân quyền lực giữa Mỹ-Trung Quốc-Nhật Bản ở Đông Á ảnh 1(Nguồn: China US Focus)

Theo trang mạng atimes.com, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc chính là vấn đề mang tính chiến lược then chốt ở Đông Á. Một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tìm cách bá chủ khu vực Đông Á, và điều đó sẽ dẫn tới xung đột.

Hiện giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán với Nhật Bản về tình trạng thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ.

Mặc dù các cuộc đàm phán song phương tạm thời khiến ông Trump hoãn đánh thuế ôtô đối với Nhật Bản, song nhiều nhà chỉ trích lo ngại rằng các hành động không mấy thân thiện của ông Trump có thể đẩy Nhật Bản xích lại gần hơn với Trung Quốc. Tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Cán cân quyền lực giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vượt GDP của Nhật Bản nếu tính bằng đồng USD, mặc dù Trung Quốc vẫn kém xa Nhật Bản nếu tính theo đầu người.

Chỉ cách đây hơn 2 thập kỷ, nhiều người Mỹ vẫn lo ngại bị Nhật Bản, chứ không phải là Trung Quốc, "soán ngôi." Nhiều người còn dự đoán về một khu vực Thái Bình Dương do Nhật Bản dẫn đầu, trong đó không có Mỹ, và thậm chí là một cuộc chiến tranh bất ngờ (giữa Mỹ) với Nhật Bản.

Thế nhưng, trái với những dự đoán đó, trong thời kỳ Bill Clinton làm tổng thống, nước Mỹ đã tái khẳng định được liên minh an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nhà quan sát tin rằng liên minh Mỹ-Nhật sẽ tan vỡ vì đó chỉ là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng thương mại khi đó tăng cao.

Thượng nghị sỹ Paul Tsongas khi vận động tranh cử tổng thống năm 1992 đã đưa ra khẩu hiệu "Chiến tranh Lạnh đã qua và Nhật Bản đã chiến thắng."

Chính quyền Clinton đã bắt đầu bằng việc chỉ trích Nhật Bản. Thế nhưng, sau tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm, Clinton và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Ryutaro Hashimoto đã ra một tuyên bố vào năm 1996 xác nhận rằng liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng mang lại sự ổn định cho Đông Á thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

[Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở 'sân sau' của Mỹ]

Tuy nhiên, Nhật Bản có một sự lo lắng không hề nhẹ, mặc dù nước này hầu như không bao giờ công khai bộc lộ ra, đó là Tokyo sợ Mỹ trong khi hướng sang Trung Quốc sẽ gạt Nhật Bản ra bên lề. Nhật Bản từng đặt câu hỏi: liệu Mỹ có chuyển trọng tâm từ Nhật Bản sang Trung Quốc hay không một khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh.

Những lo lắng đó của Nhật Bản không có gì đáng ngạc nhiên: Khi khả năng phòng thủ của hai đồng minh không tương xứng với nhau, bên phụ thuộc hơn sẽ có khuynh hướng lo lắng hơn về mối quan hệ đối tác đó. Trong suốt nhiều năm, một số người Nhật Bản cho rằng Nhật Bản nên trở thành một quốc gia "bình thường" với những tiềm năng quân sự hoàn chỉnh hơn.

Một số chuyên gia thậm chí còn gợi ý Nhật Bản nên từ bỏ một số nguyên tắc chống hạt nhân, và phải phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng những biện pháp như vậy sẽ làm nảy sinh nhiều rắc rối hơn chứ không giải quyết được những vấn đề hiện tại. Cho dù Nhật Bản có những động thái để trở thành một quốc gia "bình thường" đi chăng nữa (bất kể thuật ngữ đó ngụ ý gì) thì nước này vẫn không thể đuổi kịp sức mạnh của Mỹ hoặc Trung Quốc.

Ngày nay, Nhật Bản có những lo ngại mới về sự thoái lui của Mỹ.

Các chính sách theo định hướng "Nước Mỹ trước tiên" và bảo hộ ngành công nghiệp trong nước của ông Trump là một nguy cơ mới đối với liên minh Mỹ-Nhật.

Việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một đòn chí tử đối với Nhật Bản. Mặc dù Abe đã khéo léo chiều theo cái tôi của Trump để làm giảm xung đột, song thẳng thắn mà nói những bất đồng sâu sắc giữa hai nước vẫn tồn tại.

Việc chính quyền Trump áp thuế đối với sản phẩm nhôm và thép với lý do "vì an ninh quốc gia" đã khiến Abe sửng sốt và "đổ thêm dầu" và "ngọn lửa bất an" trong lòng Nhật Bản. Chính quyền ông Trump cũng đã gợi ý rằng các đồng minh của Mỹ tại châu Á nên nỗ lực hơn nữa để tự bảo vệ mình, đồng thời công khai đặt câu hỏi nghi ngờ về giá trị của việc triển khai các lực lượng Mỹ.

Một số nhà phân tích tự hỏi liệu các hành động của Trump có khiến Nhật Bản phải đi nước đôi và ngả dần về phía Trung Quốc hay không?

Ở thời điểm này câu trả lời có lẽ là "không." Mặc dù Nhật Bản có thể hành động như vậy, nhưng sẽ rất thận trọng và có chừng mực, bởi Nhật Bản vẫn lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc. Liên minh với Mỹ vẫn là sự lựa chọn khả dĩ nhất đối với Nhật Bản - trừ phi Trump có những hành động mạnh tay hơn nữa đối với Tokyo.

Đến thời điểm này, liên minh Mỹ-Nhật vẫn rất hùng mạnh. Ông Abe đã rất nhanh chóng chìa tay ra với Trump, gặp ông lần đầu tiên tại Tháp Trump ở New York và sau đó là trong các chuyến công du Washington DC và Mar-a-Lago, dinh thự của Trump ở Florida.

Mối quan hệ giữa ông Abe và ông Trump đã giúp Lầu Năm Góc duy trì được những hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề an ninh. Triều Tiên cũng là một nhân tố khiến liên minh này phải tập trung chú ý, đồng thời là tác nhân khiến Trump lên tiếng đảm bảo với Nhật Bản rằng Mỹ đứng sau ủng hộ Nhật Bản 100%.

Thế nhưng, những phát biểu của ông Trump về việc yêu cầu đồng minh chia sẻ gánh nặng cũng làm dấy lên nhiều quan ngại. Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản là khá ít, chỉ khoảng 1% GDP, song nước này lại có những đóng góp đáng kể cho việc hỗ trợ binh lính Mỹ đồn trú.

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính chính phủ Nhật Bản chi gần 75% chi phí hỗ trợ lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Chỉ riêng năm nay, chính phủ Nhật Bản đã dành 197 tỷ yen (1,7 tỷ USD) cho việc chia sẻ chi phí, 226 tỷ yen cho việc sắp xếp lại lực lượng Mỹ, và 266 tỷ yen trong các loại hình hỗ trợ cộng đồng khác, ngoài ra còn có các khoản chi tiêu khác liên quan đến liên minh này.

Với việc được chính quyền Clinton công nhận cách đây 1/4 thế kỷ, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra một cán cân quyền lực gồm 3 nước ở Đông Á. Nếu Mỹ và Nhật Bản vẫn duy trì liên minh Washington-Tokyo, họ có thể định hình một môi trường mà ở đó Trung Quốc sẽ phải giảm bớt sức mạnh đang trỗi dậy của mình. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu chính quyền Trump có duy trì thành công liên minh Mỹ-Nhật hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục