Tàu chiến lớn nhất

Cận cảnh tàu chiến lớn nhất Nhật Bản vừa hạ thủy

Quân đội Nhật đã tổ chức lễ hạ thủy long trọng ở Yokohama để ra mắt chiếc tàu sân bay trực thăng dài 248 mét, đặt tên là Izumo.
Nhật Bản vừa hạ thủy tàu chiến lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai hôm 6/8 trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc về các vấn đề trên biển gia tăng. Quân đội Nhật đã tổ chức lễ hạ thủy long trọng ở cảng Yokohama để ra mắt chiếc tàu sân bay trực thăng dài 248 mét, được đặt tên là Izumo, sẽ là một trụ cột của hải quân nước này. Kế hoạch đóng chiếc tàu được tuyên bố vài năm trước, nhưng lễ hạ thủy diễn ra trong bối cảnh chính quyền bảo thủ trong nước đang nỗ lực tăng cường năng lực quân sự với những tranh luận gia tăng về việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Chiếc tàu sân bay do Nhật Bản tự đóng này có thể sử dụng để cất-hạ cánh chín máy bay trực thăng và sẽ có vai trò lớn trong các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ thiên tai, cũng như phòng thủ trên biển, theo lời Bộ quốc phòng Nhật Bản. Hiện chưa rõ khi nào chiếc tàu sẽ được đưa vào phục vụ chính thức. Hiện giờ tàu lớn nhất của hải quân Nhật Bản là hai chiếc tàu sân bay trực thăng nhỏ hơn. Không đầy hai tuần trước, tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản lần đầu tiên, làm dấy lại những căng thẳng liên quan tới quyền sở hữu quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Những đảo đá này nằm ở vùng giàu tài nguyên thủy sản ở biển Hoa Đông và được cho là có tài nguyên lớn khoáng sản dưới đáy biển. Bộ quốc phòng Nhật Bản đã xem xét triển khai các đơn vị thủy quân lục chiến và mua máy bay trinh sát tàng hình, giống với loại mà lính hải quân Mỹ sử dụng, để bảo vệ chủ quyền tuyên bố của họ ở các hòn đảo. Tokyo còn có tranh chấp lãnh thổ với cả Hàn Quốc. Lực lượng quân sự giàu có và được trang bị rất hiện đại của Nhật được gọi là Lực lượng phòng vệ, và bị cấm tham gia các chiến dịch có tính chất tấn công. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang vận động và thực thi việc tăng cường sức mạnh quân sự, có thể đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp được Mỹ và các nước đồng minh áp đặt cho Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai. Việc sửa đổi hiến pháp có thể gây ra phản ứng khó lường từ những nước láng giềng Nhật Bản, vốn trước giờ cáo buộc Tokyo không chịu đối mặt với quá khứ, bao gồm việc chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-45. Năm ngoái, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của họ trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự. Tàu sân bay Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9, được coi là một cột mốc lớn với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu sẽ cần thêm thời gian huấn luyện mới có thể hoạt động trên tàu sân bay này, theo các quan chức hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh cũng gây quan ngại với mức tăng hai chữ số ngân sách quốc phòng thường niên, hiện là 10,7% vào năm 2013./.
Hình ảnh chiếc tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản (Nguồn: AFP/Getty Images, AP):
Cận cảnh tàu chiến lớn nhất Nhật Bản vừa hạ thủy ảnh 1
Cận cảnh tàu chiến lớn nhất Nhật Bản vừa hạ thủy ảnh 2
Cận cảnh tàu chiến lớn nhất Nhật Bản vừa hạ thủy ảnh 3
Cận cảnh tàu chiến lớn nhất Nhật Bản vừa hạ thủy ảnh 4

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục