Cần chính sách "an lòng" công nhân ở các KCN

Cần chính sách "an lòng" công nhân ở các khu công nghiệp

Làm sao để người công nhân trong các khu công nghiệp có một tương lai, cuộc sống ổn định đang là vấn đề rất cần các cấp, ngành xem xét, giải quyết thấu đáo.
Cần chính sách "an lòng" công nhân ở các khu công nghiệp ảnh 1Một đám cưới tập thể của công nhân ở khu công nghiệp Khai Quang do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)

Khi kết hôn, lập gia đình riêng, ở đâu cho ổn định? Sinh con nhỏ ai trông nom bế ẵm? Vợ hoặc chồng, ai sẽ là người tạm nghỉ việc ở doanh nghiệp để lo toan gia đình, nuôi con nhỏ?

Đây là những câu hỏi, những nỗi niềm băn khoăn nhất của không ít nam, nữ công nhân xa nhà, xa quê, đang làm việc ở các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

Làm sao để có một tương lai ổn định, một cuộc sống đời thường, bình dị đang là câu hỏi, trăn trở của nhiều công nhân lao động trong các khu công nghiệp, rất cần Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, doanh nghiệp có những cơ chế, chính sách để người lao động giảm bớt khó khăn, từng bước cải thiện đời sống.

Thu nhập đủ nuôi bản thân

Bà Đinh Như Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đến đầu tư, thu hút nhiều lao động.

Hiện, các khu công nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc có 123 doanh nghiệp đầu tư với khoảng 42.540 công nhân đang làm việc; trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút 37.790 lao động, còn lại là doanh nghiệp trong nước.

Lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp chiếm tới 70% và có 70 đến 75% trong số công nhân nữ vẫn chưa lập gia đình.

Thu nhập bình quân của công nhân lao động từ 3,2 đến 3,4 triệu đồng/người/tháng và đây là mức thu nhập mà giới chuyên môn cho rằng ngoài chi phí cho ăn uống, thuê nhà ở, đi lại...phục vụ nhu cầu sinh hoạt mức bình thường của chính bản thân họ thì người công nhân cũng khó tiết kiệm được khoản tiền đáng kể mỗi tháng.

Một khi lập gia đình, sinh con phát sinh thêm bao thứ chi tiêu sẽ quá sức đối với họ. Nhiều người đã nhẩm tính cuộc sống gia đình trong tương lai mà đình hoãn hoặc không dám kết hôn.

Đến Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vào một buổi chiều muộn cuối tháng Tư, chúng tôi được chứng kiến nỗi vất vả của nhiều công nhân lao động ở đây.

Thời điểm này đúng giờ tan ca làm việc, công nhân lao động ở các nhà xưởng tấp nập ra về với tình trạng mệt mỏi. Trên đường về, công nhân lao động thường ghé vào các chợ tạm, lều quán hai bên đường trong khu công nghiệp để mua đồ ăn, chuẩn bị cho bữa ăn tối.

Thức ăn của công nhân thường ngày chỉ là rau, dưa, cà, cá tép nhỏ, thịt kho đậu... chọn những người bán giá cả hợp lý nhất, số lượng mỗi món vừa đủ ăn. Họ mua hàng có sự suy tính rất tiết kiệm để phù hợp với điều kiện thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Hương- người bán hàng ở đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên cho biết công nhân lao động chi tiêu rất tiết kiệm, ai hoang phí sẽ không đủ duy trì chi tiêu tối thiểu và nuôi sống bản thân. Thông thường các bữa ăn tại nhà trọ, công nhân ăn uống rất đơn giản, chỉ có rau, dưa, cà, cá kho và tính toán chi phí cho mỗi bữa chỉ 10.000 đến 15.000 đồng/bữa/người.

Trần Thị Hòa, một công nhân của công ty điện tử ở Khu công nghiệp Khai Quang cho biết thu nhập hàng tháng của chị chỉ trên dưới 4 triệu đồng, số tiền này vừa đủ chi tiêu cho bản thân mình như thuê nhà ở, ăn uống, điện thoại, đi lại, mừng lễ cưới bạn bè.

Lo ngại của Hòa là khi xây dựng gia đình riêng, có con nhỏ thì cuộc sống sẽ gặp khó khăn, đó là chưa kể đến nuôi con nhỏ mà phải nghỉ nhiều tháng, thu nhập giảm sút.

Đã có nhiều trường hợp sau khi sinh đẻ buộc phải nghỉ việc để ở nhà trông nom con nhỏ và thời gian nghỉ việc nuôi con nhỏ của gia đình trẻ chỉ có một suất lương khiêm tốn của người chồng mà phải lo cho cả trăm khoản phải chi tiêu đều "trông ngóng" vào.

Không đèo bòng, sống "cô đơn giữa biển người"

Dạo các quanh các khu phố nằm gần các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, bên cạnh những ngôi nhà khang trang, rộng rãi của người dân địa phương sinh sống ở đây lâu đời thì kế đó là những phòng trọ, khu nhà trọ được xây dựng giản đơn với diện tích mỗi phòng thông thường từ 12 đến 20m2.

Mỗi phòng, nhà chủ cho từ 1 đến 2 công nhân chưa lập gia đình thuê ở và phòng rộng trên 20m2 trở lên thường cho một số hộ gia đình công nhân có con nhỏ thuê mướn.

Nhà trọ ở đây tường xây mỏng và thấp, vật liệu lợp mái thường là tôn, proximăng...để giảm chi phí xây dựng thấp nhất. Do đó, vào mùa Đông thì giá rét, mùa Hè lại là nơi oi bức nhất.

Cuộc sống thiếu thốn vật chất, tinh thần và không gia đình, là tình trạng chung của đa phần lao động nữ trong các khu công nghiệp, do phải làm tăng ca mới có tiền trang trải cuộc sống cho nên họ không có thời gian giao lưu, tìm hiểu, không được hưởng thụ các hoạt động văn hóa-xã hội.

Lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc chiếm tới 70% và có 70 đến 75% trong số công nhân nữ vẫn chưa lập gia đình.

Làm gì để công nhân "ăn đời, ở kiếp" với doanh nghiệp

Thời gian gần đây, các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh đã có những chính sách, trợ giúp để công nhân lao động giảm bớt khó khăn như xây dựng nhà ở cho công nhân, tổ chức cưới tập thể, xây dựng câu lạc bộ thanh niên công nhân khu nhà trọ, tư vấn pháp luật miễn phí.

Tuy nhiên, số lượng, tần suất các hoạt động trên chưa nhiều và thường xuyên, quy mô chưa mở rộng mà mới làm những mô hình điểm nên số người được hưởng lợi chiếm tỷ lệ rất thấp.

Thậm chí nhiều mô hình mang nặng tính hình thức và hiệu quả thực sự đánh giá khách quan là không cao.

Vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề chăm lo cuộc sống cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp một cách nghiêm túc, kịp thời để điều chỉnh sách, có những cơ chế đãi ngộ lao động thiết thực như lương thưởng, xây nhà ở cho công nhân, nhà nuôi giữ trẻ. Tất cả để đảm bảo cho người lao động cảm thấy yên tâm, tự tin gắn bó lâu dài với doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục