Cần có biện pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học

Kinh tế gia đình khó khăn, sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ là các nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, so với năm học 2010-2011, năm học 2011-2012 Hà Nội có 1.270 học sinh ở các trường trung học phổ thông bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,6%.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do học sinh có học lực yếu kém không theo được các bạn trong lớp nên chán nản; nhiều em nhà ở xa trường, điều kiện giao thông không thuận lợi; kinh tế gia đình một số học sinh khó khăn nên các em bỏ học để phụ giúp bố mẹ mưu sinh, kiếm sống...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường có biện pháp thiết thực nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Ngoài việc phân loại học sinh để dạy học bám sát chương trình và khả năng tiếp thu kiến thức, quan tâm bồi dưỡng các em học yếu, các trường phải tổ chức dạy học linh hoạt, chủ động điều chỉnh nội dung, thời gian và thời lượng dạy học trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại tỉnh Phú Yên, năm học 2011-2012 đã có 704 học sinh bỏ học giữa chừng, chiếm tỷ lệ 0, 42 % số học sinh toàn tỉnh.

Đáng quan tâm là số học sinh bỏ học giữa chừng ở cấp trung học phổ thông chiếm gần 60% và tăng hơn năm ngoái.

Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy học sinh bỏ học ở khu vực đồng bằng, vùng biển là chủ yếu; số học sinh ở khu vực miền núi chỉ có 51 em.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên, tình trạng nghiện Internet, kinh tế gia đình khó khăn và nhất là sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ là ba nguyên nhân chính dẫn đến học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa chú ý đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập cũng như chưa thật sự quan tâm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên, ông Nguyễn Văn Tá cho biết, ngoài việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương để vận động học sinh trở lại lớp, Sở đang chỉ đạo các Phòng giáo dục và Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tốt để bồi dưỡng học sinh yếu kém./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục