Cần có chế tài xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 5 lần này đã tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước.
Cần có chế tài xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc ảnh 1Đại biểu Quốc hội các tỉnh Tiền Giang, Nam Định, Quảng Ngãi thảo luận ở tổ. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 31/5, Quốc hội nghe Chính phủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 5 lần này đã tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước.

Các đại biểu kiến nghị cần phải có chế tài để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản hợp lý. Đây là điểm bổ sung, chỉnh lý của dự thảo Luật. Vấn đề này đang được tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và cân nhắc đề xuất phương án hợp lý.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Tán thành với những ý kiến này, Chính phủ đề nghị cơ bản giữ như phương án đã trình Quốc hội tháng 10/2017.

Phương án này căn cứ Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã chỉ rõ một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.”

Quán triệt tinh thần này, dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước.

Dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.

[Kiểm soát việc lợi dụng sân sau để rút tài sản nhà nước và tham nhũng]

Bên cạnh đó, Chính phủ đã giải trình bổ sung với Quốc hội về việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.

Để đảm bảo tính khả thi của quy định theo phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung căn bản về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập như quy định mới về phương thức kê khai; xây dựng Cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Cũng tại phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Một số ý kiến của đại biểu đánh giá dự thảo Luật chưa chú trọng đến lĩnh vực thể dục, thể thao quần chúng, chưa có chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, đặc biệt là phục vụ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.

Một số ý kiến đề nghị rà soát lại quy định ưu đãi về tín dụng, đất đai tại Điều 11 để bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục