"Cần có cơ quan quản lý về bồi thường Nhà nước"

Chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó tập trung vào những vấn đề như tên gọi của Luật, phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường.

Chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó tập trung vào những vấn đề như tên gọi của Luật, phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường.

Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự thảo Luật như ban đầu là Luật Bồi thường Nhà nước cho ngắn gọn, dễ hiểu thay vì tên Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Về phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, một số đại biểu đồng ý với phương án liệt kê các trường hợp có tính phổ biến, dễ xảy ra hành vi gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường. Đại biểu Trần Du Lịch, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc quy định cụ thể 11 trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như dự thảo Luật là phù hợp.

Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến lại cho rằng, việc quy định mở “các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định” sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa Luật này với các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời cũng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu thực tế.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyên, tỉnh Lâm Đồng, đề nghị không quy định cứng 11 hành vi như dự thảo, không giới hạn các các trường hợp được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính để phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Phạm Quý Tỵ, tỉnh Bình Dương cũng đồng tình với đại biểu Ba Thuyên, cho rằng việc liệt kê 11 trường hợp có tính phổ biến, dễ xảy ra hành vi gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường là chưa hợp lý, bởi theo thống kê hiện có tới 22 luật có quy định về vấn đề này. Luật này cần phải phù hợp với 22 luật có quy định về bồi thường Nhà nước, không nên theo hướng liệt kê các trường hợp cụ thể.

Vấn đề trách nhiệm quản lý về công tác bồi thường, dự thảo Luật cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyên, tỉnh Lâm Đồng và một số đại biểu khác cho rằng không nhất thiết phải thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường. Trên thực tế, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không xảy ra thường xuyên, nhưng lại có thể xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo các đại biểu, không thể coi đây là một lĩnh vực quản lý nhà nước độc lập, có tính chuyên ngành để từ đó hình thành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường. Điều này cũng không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế hiện nay của Nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, thành phố Hà Nội; Phạm Xuân Thường, tỉnh Thái Bình; Đinh Xuân Thảo, tỉnh Kiên Giang lại cho rằng cần phải có cơ quan giúp Chính phủ quản lý về bồi thường Nhà nước, cần quy định trách nhiệm quản lý về công tác bồi thường cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Các đại biểu này cũng cho rằng trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức cũng như uy tín và ngân sách của Nhà nước. Các đại biểu đề nghị nên giao Bộ Tư pháp làm cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bồi thường vào Luật, đảm bảo cơ chế công khai, dân chủ, hạn chế tình trạng bồi thường cho xong chuyện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục