"Cần có đổi mới mạnh mẽ về tố tụng hành chính"

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có đổi mới mạnh mẽ về tố tụng hành chính theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Chiều 21/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề chính của Luật Tố tụng hành chính. Đây là dự thảo Luật đã được lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XII vừa qua.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tập hợp, nghiên cứu và báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Về vấn đề các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm quy định thẩm quyền của Tòa án theo phương án loại trừ; đồng thời đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền của Tòa án giải quyết các khiếu kiện của viên chức nhà nước về các hành vi hành chính và quyết định hành chính.

Ủy ban Tư pháp tán thành quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau, nhưng cần có sự phân biệt về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp đã qua thủ tục khiếu nại lần đầu với trường hợp đã qua thủ tục khiếu nại lần hai hoặc đối với trường hợp khởi kiện thẳng ra Tòa án.

Riêng đối với trường hợp khiếu nại các cơ quan hành chính, cần cân nhắc về thời gian theo hướng không nên quy định quá dài để bảo đảm phù hợp với đặc thù đối với việc giải quyết khiếu kiện vụ án hành chính.

Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến tán thành với quan điểm của Ủy ban Tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận và Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng cần quy định rõ các hành vi, quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngay trong Luật này để tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất khi Luật này được ban hành.

Các ý kiến cũng cho rằng quy định về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính như quan điểm của Ủy ban Tư pháp là phù hợp với quy định tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không đặt ra điều kiện về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án.

“Quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo quá trình gia nhập WTO,” ông Nguyễn Văn Thuận nói.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là dự án luật liên quan đến quyền tự do dân chủ của công dân và cũng nằm trong lộ trình cải cách tư pháp của đất nước nên quá trình soạn thảo, lấy ý kiến cần được làm thận trọng, chặt chẽ đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Liên quan đến những vấn đề cụ thể còn có những ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính, dự thảo luật cần có quy định loại trừ, các quyết định, hành vi hành chính quốc phòng, an ninh, ngoại giao, nếu có tính chất bí mật Nhà nước sẽ không thuộc thẩm quyền của Tòa án hành chính.

Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có đổi mới mạnh mẽ về tố tụng hành chính theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân với quy định công dân có quyền khởi kiện trực tiếp ra Tòa án hành chính khi quyết định, hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Đây được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, quan hệ hành chính là mối quan hệ mệnh lệnh và phục tùng, quan hệ giữa một bên là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thi hành quyền lực hành chính công và một bên là đối tượng chịu sự quản lý, điều hành. Vì vậy cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan và Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để sớm hoàn tất dự thảo Luật, trình các đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến thông qua vào kỳ họp tới./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục