Cần có giải pháp linh hoạt giảm nghèo bền vững

Các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách giảm nghèo phù hợp và cụ thể hơn.
Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về chính sách giảm nghèo để lấy ý kiến đóng góp cho chương trình giảm nghèo quốc gia.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 đã thu được nhiều thành tựu đáng kể.

Hàng loạt chính sách xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội đã cải thiện đáng kể diện mạo của các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo là những khu vực tập trung đông người nghèo.

Nỗ lực chung của toàn xã hội đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo đói của cả nước từ trên 20% (năm 2005) xuống còn 18,1% (2006), 14,75% (2007), 12,1% (2008), 11,3% (2009) và phấn đấu giảm xuống còn 9,45% trong năm nay, đạt và vượt so với mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Riêng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo (chương trình 30a) đã đạt tốc độ giảm nghèo bình quân 4%/năm (2009) so với mức bình quân của cả nước là 2-3%/năm; đồng thời việc làm nhà ở cho người nghèo ở các huyện nghèo đã đạt 97% trong tổng số 77.000 căn nhà phải thực hiện.

Tuy đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, trong cùng một thời điểm có nhiều chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai thực hiện đã dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo về lĩnh vực trợ giúp, đối tượng thụ hưởng, công tác chỉ đạo, điều hành, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án.

Chia sẻ nhận định trên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có đến 70% số xã thuộc chương trình 135 giai đoạn 2 cũng nằm trong chương trình 30a.

Để chương trình giảm nghèo - 1 trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam đang thực hiện có thể đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách giảm nghèo phù hợp hơn, tác động cụ thể hơn.

“Giải pháp chung như thời gian qua có lẽ đã không còn phù hợp. Vì vậy, cần có những giải pháp linh hoạt, cụ thể hơn; phải tùy theo tính chất vùng, miền, khu vực khác nhau, mức sống nông thôn và thành thị; phải phân loại đối tượng nghèo để từ đó có tác động chính sách hiệu quả hơn” - bà Trương Thị Mai đề nghị.

Các ý kiến cũng cho rằng cần có chuẩn nghèo phù hợp hơn bởi chuẩn nghèo thời gian qua chưa phản ánh đúng thực chất kết quả giảm nghèo. Đồng tình về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phải cập nhật chuẩn nghèo liên tục hàng năm, có tính tới các yếu tố trượt giá và các yếu tố xã hội khác, như vậy mới tiến bộ.

Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2011-2015 với mức thu nhập 600.000 đồng/người/tháng (đô thị) và 450.000 đồng/người/tháng (nông thôn), thay cho chuẩn nghèo 260.000 đồng/người/tháng (đô thị) và 200.000 đồng/người/tháng (nông thôn) như hiện nay, đồng thời khuyến khích các địa phương tiếp tục nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia./.

Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục