Cần có trung tâm nghiên cứu di tich Nho học ở Việt Nam

Đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu di tích Nho học ở Việt Nam

Các nhà khoa học cho rằng cần thành lập trung tâm nghiên cứu các di tích Nho học, để kết nối các đơn vị quản lý và các nhà khoa học trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu di tích Nho học ở Việt Nam ảnh 1Phu Văn Lâu - một di tích Nho học quan trọng (Ảnh: TTXVN)

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các cơ quan chức năng thành lập trung tâm nghiên cứu các di tích Nho học, để kết nối các đơn vị quản lý và các nhà khoa học trong lĩnh vực này ở Việt Nam.”

Thông tin trên được phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho biết tại Hội nghị “Nghiên cứu khoa học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nho học Việt Nam” diễn ra sáng nay (15/1) tại Hà Nội.

Bộ phận quan trọng của kho tàng di sản văn hóa

Theo vị chuyên gia này, hệ thống các di tích Nho học là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

“Với gần 20 thế kỷ gắn bó cùng người Việt Nam, Nho học đã để lại cho hậu thế một kho tàng tri thức phong phú cùng nhiều di sản quý báu: những di tích về các trường thi, nơi đề danh những người đỗ đạt (như Phu Văn Lâu - Huế), nơi thờ cúng tổ sư Nho học (Văn miếu, Khổng miếu)…” ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu này cho biết thêm, ở Việt Nam, hầu như không có di tích tín ngưỡng, tôn giáo cổ xưa nào không có những bức hoành phi, câu đối, đại tự, sắc phong… bằng chữ Hán.

Bên cạnh đó, trải qua gần hai thiên niên kỷ tồn tại và phát triển, Nho học đã góp phần tạo dựng một nền giáo dục mang bản sắc riêng của dân tộc, đào tạo ra nhiều danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…

Có cùng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Trương Quốc Bình (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) bày tỏ: Ở các nước phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nếu tách rời các di tích, tư liệu liên quan đến Nho học thì sẽ không thể hiểu được tường tận truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước. Các di tích Nho học là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam.

Đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu di tích Nho học ở Việt Nam ảnh 2Bia Tiến sỹ Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Nhiều di tích chỉ còn là tên gọi

Tuy nhiên, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ: Hiện nay, Việt Nam chưa có chuyên ngành bảo tồn các di tích, sưu tầm và lưu trữ các tài liệu liên quan đến Nho học ở tầm quốc gia; việc tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di sản Nho học chưa được chú trọng đầu tư cả về con người, phương tiện và kinh phí.

“Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, nhiều di tích Nho học đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn là tên gọi (như Bảng môn đình Thăng Long - nơi đề danh những người đỗ đạt). Văn miếu hàng tỉnh cũng chỉ còn lại một số ít như: Văn miếu Bắc Ninh, Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Khổng miếu Hội An (Quảng Nam)...” nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hùng nêu dẫn chứng.

Đứng ở một góc độ khác, phó giáo sư-tiến sỹ Trương Quốc Bình cho rằng: hiện nay, dư luận xã hội vẫn tồn tại quan niệm không đúng về các giá trị của Nho học khi cho rằng đây là những điều lạc hậu, tàn dư của chế độ phong kiến… 

“Nhận thức phiến diện như vậy tạo ra khó khăn không nhỏ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích Nho học,” ông Bình bày tỏ.

Xuất phát từ thực tế trên, các nhà khoa học cho rằng, việc làm cấp bách hiện nay là tiến hành rà soát, kiểm kê, phân loại toàn bộ các di tích, di vật liên quan đến Nho học trên địa bàn cả nước.

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, phó giáo sư-tiến sỹ Trương Quốc Bình cho rằng, trong tình trạng tư liệu về Nho học tản mạn, rải rác ở nhiều nơi như hiện nay, các cơ quan chức năng nên sớm thành lập các kho dữ liệu tại các địa phương và có một đầu mối ở trung ương.

Đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu di tích Nho học ở Việt Nam ảnh 3Phó giáo sư-tiến sỹ Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia (Ảnh: A.N/Vietnam+)

“Từ đó, giới chuyên môn tiến hành nghiên cứu bài bản để nhận diện đầy đủ về số lượng, loại hình và nội dung; trên cơ sở đó bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di sản văn hóa đặc biệt này,” ông Bình nhấn mạnh./.

Hội nghị “Nghiên cứu khoa học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nho học Việt Nam” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục