Cần đặt hàng để có sản phẩm khoa học xứng tầm

Theo các nhà khoa học, không thể đánh giá hiệu quả nghiên cứu khoa học theo kiểu hành chính mà nên triển khai phương pháp khoán.
Không thể đánh giá hiệu quả trong nghiên cứu khoa học theo kiểu hành chính mà phải triển khai phương pháp khoán. Có như thế, ngành khoa học Việt Nam mới thực sự phát triển, có những sản phẩm xứng tầm.

Đó là kiến nghị của nhiều nhà khoa học và cũng là một trong những nội dung quan trọng của Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) sửa đổi, được trình lên Quốc hội trong kỳ họp lần này.

Đội ngũ khoa học: Nhiều nhưng chưa "tinh"

Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho Luật KHCN sửa đổi vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội tổ chức mới đây, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Bích San thẳng thắn cho rằng, nền khoa học giáo dục nước nhà rất cấp bách.

Nhìn vào thực tế, vị Phó Tổng thư ký VUSTA cho hay, trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới không có tên các trường của Việt Nam. Ngoài ra, số lượng các bài báo công bố quốc tế của Việt Nam chỉ bằng số lượng của Đại học Chulalongkoong (Thái Lan) trong khi số giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam lại nhiều nhất Đông Nam Á.

Theo ông San, chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học, tức là những người lao động quên mình trong khoa học và được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học quốc tế tầm cỡ…

Để giải quyết những tồn tại này, ông San và nhiều nhà khoa học khác cũng đồng tình khi cho rằng, Luật KHCN sửa đổi cần phải có những đột phá mạnh mẽ. Đối với những người làm khoa học hay trí óc thì sự tìm tòi sáng tạo phải là phẩm chất hàng đầu nên khi đem cách hành xử của bộ máy hành chính áp cho những người này là rất khó.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, cách tổ chức tách rời hệ thống nghiên cứu với hệ thống đào tạo theo mô hình cũ đã dẫn tới việc trường đại học không có giảng viên giỏi để sinh viên có đủ kiến thức mới, có khả năng nghiên cứu. Trong khi đó, các viện nghiên cứu lại thiếu sự tiếp xúc với nguồn nhân lực có chất lượng cho nghiên cứu tương lai. Do đó, cần đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp hoặc thành lập các doanh nghiệp khoa học vận hành theo cơ chế thị trường…

Về việc đánh giá hiệu quả, các nhà khoa học kiến nghị không đánh giá theo kiểu hành chính như vẫn thường làm (đúng giờ và hoàn thành đúng kế hoạch). Nên quản lý theo phương pháp khoán, đánh giá bằng kết quả cụ thể được nghiệm thu nghiêm túc và trả thù lao của thị trường. Có như vậy, Việt Nam mới có các sản phẩm khoa học thực sự nổi bật và xứng tầm.

Đổi mới cơ chế, huy động nguồn lực

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải cho biết, Luật KHCN sửa đổi được trình lên Quốc hội tại kỳ họp lần này sẽ tập trung vào các vấn đề lớn như: Đầu tư nguồn lực; cơ chế tài chính và chính sách đãi ngộ, trọng dụng cho khoa học và công nghệ…

Ông Khải nói, hiện đầu tư nhà nước vào KHCN chiếm 2% ngân sách và đây là con số không hề nhỏ. Ở các nước phát triển, nhà nước bỏ ra 1, xã hội đóng góp 4-5 lần còn ở Việt Nam, xã hội chỉ đóng góp vào KHCN khoảng 30% so với đầu tư từ nhà nước. Do đó, cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt của doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KHCN.

Ngoài ra, cơ chế tài chính cũng cần phải đổi mới để phù hợp với hoạt động KHCN. “Trí tuệ, chất xám của các nhà khoa học không thể đo bằng giờ hoặc ngày công nên không thể quản lý, trả công theo hành chính được,” ông Khải nhấn mạnh.

Theo ông Khải, cơ chế tài chính đổi mới để bảo đảm bố trí, sử dụng nguồn lực một cách chủ động, linh hoạt, có hiệu quả. Cơ chế xác định nhiệm vụ KHCN được đổi mới theo xu thế gắn chặt với nhu cầu và nhiệm vụ của phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tính ứng dụng. Ngoài ra, Luật sẽ bổ sung quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KHCN.

Thứ trưởng Bộ KHCN cũng thừa nhận ở thời điểm này, chính sách đối với nhà khoa học còn yếu. Trong các ngành thì KHCN là ngành duy nhất không có phụ cấp.

“Đãi ngộ cần gắn với hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KHCN. Chính sách KHCN cần có đãi ngộ đặc biệt với nhà khoa học được giao nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học có cống hiến đặc biệt xuất sắc,” ông Khải nói.

Ngoài ra, hệ thống tổ chức KHCN, hệ thống hạ tầng các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm ở quy mô quốc gia và địa phương cũng cần phải quy hoạch lại. Làm tốt việc này sẽ có được cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu giải quyết vấn đề KHCN trọng điểm.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, Luật cần phải xác định rõ ràng cơ sở định hướng đổi mới, tập trung xây dựng được thị trường và phát triển thị trường, hạn chế xin-cho. Ngoài ra, cần quy định đảm bảo tự do sáng tạo, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, trung thực, đảm bảo tính khoa học, khách quan…/.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục