Cần giải pháp hữu hiệu để chống sạt lở đê biển ở Kiên Giang

Nhiều đoạn trên tuyến đê biển của tỉnh Kiên Giang hiện đang bị sạt lở nặng, có nơi không còn rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Cần giải pháp hữu hiệu để chống sạt lở đê biển ở Kiên Giang ảnh 1Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ biển xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang có tuyến đê biển từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) giáp tỉnh Cà Mau, dài khoảng 200 km. Hiện nay, nhiều đoạn trên tuyến đê biển này bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Hòn Đất, đoạn đê biển từ ấp Hòn Đất đến ấp Hòn Quéo xã Thổ Sơn xuống cấp, sạt lở nặng, có nơi không còn rừng phòng hộ, sóng biển đánh vào tận chân đê.

Tương tự, ở hai huyện vùng U Minh Thượng là An Minh, tổng chiều dài các đoạn đê biển sạt lở nghiêm trọng hơn 15 km và An Biên trên 10 km.

Nguyên nhân của tình trạng sạt lở này là do mất rừng phòng hộ nhưng việc gây bồi, trồng cây chắn sóng, khôi phục rừng phòng hộ bảo vệ bờ biển gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư lớn, vượt khả năng của địa phương nên rừng trồng mới không bù đắp được diện tích rừng đã mất.

Tuyến đê biển của tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2000 đến nay chưa được nâng cấp, sửa chữa nên nhiều đoạn xuống cấp, không đảm bảo về an toàn đê và ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Hệ lụy là nhiều diện tích rừng, đất nuôi trồng thủy sản của người dân bị mất, xâm nhập mặn vào nội đồng, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống, sản xuất của cộng đồng cư dân ven biển.

Theo ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, giải pháp hữu hiệu trong việc chống sạt lở đê biển là khôi phục, phát triển rừng ngập mặn phòng hộ ven biển.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến đê biển trên địa bàn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư nâng cấp đoạn đê biển từ Cống số 2 đến Hòn Đất và những đoạn xung yếu khác trên tuyến đoạn An Biên - An Minh.

Tỉnh đã phối hợp với tổ chức GIZ Kiên Giang xây dựng 3 mô hình thử nghiệm về tạo lắng bãi bồi, chống sạt lở trên địa bàn huyện Hòn Đất, An Biên và An Minh để ứng dụng vào thực tế chống sạt lở đê biển trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đang đề xuất một dự án vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức để trồng rừng ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguồn vốn này tập trung đầu tư trồng rừng ở những nơi sạt lở nhẹ để tăng thêm khả năng phòng hộ.

Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các cơ quan hữu quan và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng đất rừng của hộ dân nhận khoán, trồng và khôi phục rừng theo đúng tỷ lệ quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành giao khoán đất rừng cho hộ dân có tiềm lực tài chính, tâm huyết với nghề rừng gắn với hỗ trợ vốn và những điều kiện cần thiết khác để họ yên tâm sống với nghề rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục