Cần giải pháp toàn diện chủ động kiểm soát lũ ở khu vực ĐBSCL

Việc kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào vận hành, cảnh báo lũ; bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp...
Cần giải pháp toàn diện chủ động kiểm soát lũ ở khu vực ĐBSCL ảnh 1Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa chạy lũ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 3/12, tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Quy hoạch lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020, định hướng đến năm 2030."

Hội thảo nhằm nhằm tìm các giải pháp quy hoạch, ứng phó với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó chú trọng thay đổi quan niệm của người dân về ứng xử với lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, đại diện các viện, trường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Theo ông Lương Quang Xô - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi niền Nam, việc kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác vận hành, cảnh báo lũ; bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tiếp tục thực hiện quan điểm sống chung với lũ; phát huy mặt lợi và hạn chế tác hại của lũ.

Tuy nhiên, các phương án kiểm soát lũ nếu không được tính toán hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe của con người, nhất là người dân ở vùng hạ nguồn sông Cửu Long.

Thực tế những năm gần đây, tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn đang ngày càng gia tăng ở nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số nơi bị sạt lở bờ sông, kênh, rạch do luồng lạch bị lấn chiếm, dòng chảy bị thay đổi. Bên cạnh đó, cần tính tới bài toán đa mục tiêu, kết hợp giữa bài toán mùa lũ và mùa hạn; giữa xâm nhập mặn và cải tạo đất để có hướng phát triển theo hướng bền vững.

Với tổng diện tích cả khu vực Đồng sông Cửu Long từ 1,2-1,9 triệu ha, trong đó có gần 23.700km đê bao vùng lũ bảo vệ cho hơn 314.000 hộ dân trên 13.600km tuyến dân cư ở vùng ngập sâu từ 0,5-4m, thời gian ngập từ 3-6 tháng trong năm, vấn đề kiểm soát lũ cần phải có sự phối hợp liên ngành để đảm bảo hài hào giữa phát triển kinh tế và cần bằng hệ sinh thái.

Còn giáo sư Nguyễn Tất Đắc, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu, vấn đề không còn là việc kiểm soát lũ mà còn là chuyện chống hạn, vấn đề thay đổi dòng chảy, sạt lở đất, xâm nhập mặn, mất nguồn lợi từ lũ. Do đó cần có nhiều kịch bản trong kiểm soát lũ để người dân “sống chung với lũ,” giúp họ có thể khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại như: vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, lấy phù sa để bồi bổ đất, nâng cao mặt đất, lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm, giữ gìn sự đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản...

Bên cạnh đó, cần tính tới việc để lũ vào đồng tự do, nhất là những năm lũ bất thường, mực nước trên sông và trong đồng dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng, chiều sâu ngập lớn và thời gian ngập kéo dài; hoặc không có lũ đặc biệt là các tỉnh ở khu vực hạ nguồn để có các quy hoạch mang tính tổng thể từ vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp… Có như vậy, người dân sống trong vùng lũ mới có thể khai thác được tất cả các lợi ích từ lũ và đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có tác động ngày càng rõ nét đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cần chủ động việc kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long bởi thực tế khu vực này đang lo thiếu nước hơn là thừa nước. Năm nay mực nước các sông ở Đồng bằng sông Cửu Long nhất là các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp được ghi nhận là thấp nhất kể từ năm 1926. Do đó, các kịch bản kiểm soát lũ Đồng bằng sông Cửu Long cần tính tới việc chỉnh trị dòng chảy cung như việc xây dựng các khu vực chứa nước ngọt nhằm cung cấp nước cho các vùng ở hạ lưu cũng như đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo mọi nhu cầu về sống chung với lũ một cách an toàn của người dân.

Đồng tình với quan điểm cần có nhiều kịch bản trong việc kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng lưu ý Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những tác động và thách thức từ lớn từ phía thượng nguồn, vấn đề nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Chắc chắn thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long không phải chỉ đối mặt với lũ mà còn là vấn đề chống hạn, thiếu nước ngọt, lượng phù sa sụt giảm, nguy cơ sụt giảm lòng sông, mưa lũ và thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tác động từ phát triển kinh tế-xã hội ở các quốc gia thượng nguồn. Vì vậy, cần có một cách nhìn tổng thể và giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý lũ hiện tại và tương lai nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước mọi thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục