Cần giảm thiểu các nhà đầu tư chiến lược là DNNN

Cơ chế tài chính thúc đẩy sắp xếp, đổi mới DNNN sẽ hoàn thiện theo hướng xây dựng cơ chế thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược.
Ngày 31/5/2012, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội thảo “ Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước”.

Mục tiêu của hội thảo nhằm tạo cơ hội đối thoại chính sách giữa Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước về các vướng mắc thực tế trong quá trình triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, các cơ chế tài chính doanh nghiệp…

Thiếu cơ chế chính thức

Đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng, để thực hiện quá trình cấu trúc thành công và hiệu quả, trước tiên các cơ chế chính sách tài chính phải được làm trước một cách đồng bộ.

Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp đề nghị, cơ quan chức năng cần thực hiện tổng kết đánh giá mô hình công ty mẹ, công ty con và tập đoàn kinh tế Nhà nước. Cho đến nay, các hình thức công ty này vẫn chỉ là thí điểm, bởi thực tế chưa có văn bản quy định cơ chế chính thức.

“Cần phải đánh giá lại, xây dựng lại cơ chế cổ phần hóa. Hướng dẫn ngay cơ chế tài chính cho doanh nghiệp. Hiện các tập đoàn có rất nhiều chuẩn mực kế toán, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nói sai cũng được, nói đúng cũng được, đến khi đổ vỡ mới sửa.

Chuyện vô lý, doanh nghiệp bỏ 19 nghìn tỷ đồng mua tàu cũ mà giám đốc, kế toán không biết. Bây giờ tôi mơ cơ chế quản lý nội bộ của những năm 60 – 70. Doanh nghiệp kiểm quỹ còn 50 đồng đã phải lo gửi ngân hàng. Tái cấu trúc cần phải bắt đầu từ tài chính,” ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tài chính doanh nghiệp thẳng thắn đưa ra những điểm hạn chế tồn tại ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, như hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực.

Chính diều này đã khiến việc thực hiện vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế của các tổng công ty, tập đoàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hiện cũng đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài.

Giải pháp tài chính-quyết định "sống còn"


Theo ông Đặng Quyết Tiến, các tập đoàn, tổng công ty đã cơ bản xây dựng được đề án tái cơ cấu, tuy nhiên về giải pháp tài chính hầu như chưa được đề cập trong các đề án.

Quan điểm từ các cơ nhà quản lý, cơ chế tài chính thúc đẩy sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ sửa đổi và hoàn thiện theo hướng xây dựng cơ chế thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Trong đó, ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản trị tốt, có uy tín trên thế giới đồng thời giảm thiểu các nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp nhà nước.

Chính sách mới sẽ bổ sung các quy định về cổ phần hóa đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước theo cơ cấu vốn chủ sở hữu, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, quy trình xác định giá trị đất,...

Đại diện Tập đoàn Điện lực (EVN), Phó tổng giám đốc, ông Đinh Quang Tri than phiền, việc thoái vốn của EVN đang tắc với nguyên tắc "Thoái vốn không được mất vốn".

"Bán cổ phần mất tiền tỷ, doanh nghiệp nhà nước sẽ không bao giờ dám bán vì sợ vi phạm pháp luật. Do đó, chính sách cần mở đường cho phép doanh nghiệp năng động như vậy," ông Tri kiến nghị.

Thêm vào đó, chính sách tài chính nên gắn với chính sách giá cả, đối với doanh nghiệp làm công ích nhà nước có thể can thiệp giá cả, song nếu doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường thì phải bình đẳng áp giá theo thị trường. Cơ chế giá chưa rõ ràng thì cổ phần hóa sẽ bị tắc.

“Liên quan tới việc tái cấu trúc tại các đơn vị, những công ty nào không kinh doanh hiệu quả cần phải bán luôn. Thà rằng nhà nước lỗ một phần còn hơn là tiếp tục 'nuôi' để sau này mất toàn bộ vốn. Hoặc thậm chí, giải thể luôn các doanh nghiệp đó để tạo điều kiện cho tư nhân chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy sản xuất đi lên,” ông Tri nói.

Trong khi đó, đại diện đến từ Công ty kiểm toán Ernst & Young lại nhìn nhận ở một khía cạnh khác. "Thời gian gần đây, trong các văn bản pháp lý cũng như dư luận đề cập nhiều đến cụm từ 'tái cấu trúc' như một giải pháp tất yếu và tối ưu đối với nhà nước. Song, chưa nói đến việc tái cấu trúc như thế nào, khi nào là thích hợp và bằng cách nào, trước tiên phải thống nhất cách nhìn nhận về tái cấu trúc doanh nghiệp," địa diện đên từ công ty này nói.

Cũng theo đại diện Ernst & Young, không có định nghĩa chuẩn như thế nào là tái cấu trúc doanh nghiệp và cũng không có công thức cụ thể về tái cấu trúc cho tất cả các doanh nghiệp. "Đó là quá trình chuyển đổi mang tính chất tổng thể xuất phát từ định hướng chiến lược, cấu trúc sở hữu, tổ chức quản lý, chức năng và quy trình, quản trị doanh nghiệp...," vị đại diện này nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Ernst & Young đề xuất, các nguyên tắc đề ra trong trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp nhà nước và Quản trị công ty” là mục tiêu và định hướng chung khi tái cấu trúc doanh nghiệp. Để đi theo và đến được cái đích này, mỗi doanh, tùy theo nguồn lực và năng lực của mình, sẽ phải tự chọn cho mình một phương pháp tiếp cận riêng./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục