Cần hành động để thời hạn chót MDG không bị lỡ

Vào "buổi bình minh" của thiên niên kỷ mới, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết đối phó với những tồn tại lớn của toàn cầu như nghèo đói, bệnh tật, sự thiếu hiểu biết và bất bình đẳng thông qua 8 mục tiêu cụ thể có tên gọi "Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" (MDGs) và khung thời hạn 15 năm cho việc hoàn thành các mục tiêu này.

Thế giới 10 năm qua đã trải qua nhiều thay đổi và những thay đổi đó đã tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các MDG của các nước.
Vào "buổi bình minh" của thiên niên kỷ mới, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết đối phó với những tồn tại lớn của toàn cầu như nghèo đói, bệnh tật, sự thiếu hiểu biết và bất bình đẳng thông qua 8 mục tiêu cụ thể có tên gọi "Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" (MDGs) và khung thời hạn 15 năm cho việc hoàn thành các mục tiêu này.

Đến nay, 2/3 chặng đường đã qua đi và Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York trong các ngày 20-22/9 là dịp để lãnh đạo 192 nước thành viên Liên hợp quốc kiểm điểm những việc đã và chưa làm được, những mục tiêu cần sự chạy đua nước rút để sớm được hoàn thành.

Thế giới 10 năm qua đã trải qua nhiều thay đổi và những thay đổi đó đã tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các MDG của các nước.

Sự phát triển như vũ bão của Internet khiến thế giới trở nên xích lại gần nhau hơn. Kinh nghiệm phát triển của một quốc gia này có thể được học tập và áp dụng ở nhiều nước khác. Cùng với đó là sự mở cửa thương mại giữa nhiều nước khiến quá trình thông thương trở nên dễ dàng hơn và không ít người nghèo đã có cơ hội thay đổi số phận của họ.

Tuy nhiên, thế giới 10 năm qua vẫn chưa yên bình với các cuộc chiến tranh, xung đột ở nhiều nơi, thiên tai diễn biến với mức độ hủy diệt ngày càng lớn do hậu quả của biến đổi khí hậu cùng nhiều dịch bệnh mới đi kèm; đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính vừa qua cùng nguy cơ khủng hoảng lương thực đang hiện hữu đã làm chậm tiến trình thực hiện các MDG của nhiều nước.

Về tổng thể, Liên hợp quốc lạc quan rằng thế giới đang trên đường thực hiện được mục tiêu giảm một nửa số người nghèo cùng cực vào năm 2015. Theo một số nhà phân tích, thành tựu đó chủ yếu nhờ những cải thiện to lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Tỷ lệ người sống dưới 1 USD/ngày ở các nước đang phát triển đã giảm từ 46% năm 1990 xuống còn 27% vào năm 2005. Dù vậy, đến năm 2015, thế giới vẫn còn 920 triệu người sống dưới 1,25 USD/ngày.

Mục tiêu giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em đang bị chậm trễ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số bà mẹ chết trong năm 2008 là 358.000 người, giảm 34% so với 546.000 người của năm 1990, nghĩa là chưa bằng một nửa chỉ tiêu đề ra.

Thế giới vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai thiệt mạng do một số nguyên nhân chủ yếu như băng huyết, nhiễm trùng, rối loạn huyết áp và phá thai không an toàn. Năm 2008, mỗi ngày có khoảng 1.000 phụ nữ chết do những biến chứng trên, chủ yếu tại khu vực tiểu sa mạc Sahara ở châu Phi và các nước Nam Á.

Mục tiêu giảm số người chết và nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS có khả năng không thực hiện được. Trong khi số ca nhiễm mới đã giảm từ mức 3,5 triệu ca năm 1996 xuống còn 2,7 triệu ca năm 2008, Cơ quan phòng chống AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) cho biết số người nhiễm mới vẫn cao hơn số người bắt đầu được điều trị với tỷ lệ 5/2.

Mỗi năm thế giới vẫn còn tới 2 triệu người tử vong liên quan đến AIDS. Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh này đã ổn định ở hầu hết các nước, song bóng ma HIV/AIDS vẫn đang lan nhanh chóng tại Nga, Ukraine và một số nước Trung Á, châu Phi. UNAIDS ước tính chỉ 40% số người nhiễm HIV nhận thức được mình đang mang mầm bệnh chết người.

Trong bức tranh tổng quan đa sắc màu về tiến trình thực hiện các MDG, Viện Phát triển Hải ngoại (Anh) đã nêu những điểm sáng điển hình trong công cuộc chống đói nghèo trên thế giới.

Đó là Việt Nam với tỷ lệ người nghèo sống dưới 1 USD/ngày đã giảm từ mức 66% dân số năm 1990 xuống còn 20% vào năm 2004, và giảm được một nửa tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Trong khi đó, Gana đạt thành tích giảm gần 3/4 số người nghèo, từ mức 34% dân số xuống còn 9%. Mười nước châu Phi khác, trong đó có Ethiopia, Ai Cập và Angola, cũng đã giảm được một nửa số người nghèo đói cùng cực.

Phát biểu trước thềm hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng "các MDG là lời hứa của các nhà lãnh đạo thế giới và lời hứa đó phải được thực hiện." Ông cũng cam kết đưa ra những đề xuất mới tại hội nghị tới để đẩy nhanh việc thực hiện các MDG, trong đó có mục tiêu cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Giáo sư Jeffrey Sachs, đứng đầu Viện Trái Đất tại trường Đại học Columbia (Mỹ) và là cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các MDG, nhận định một số nước sẽ vẫn "ở trong tình trạng tuyệt vọng, đặc biệt nếu họ vướng vào nội chiến," bởi vậy hòa bình cũng là một nhân tố quyết định đến tiến trình đạt được các MDG.

Thế giới còn 5 năm nữa để hiện thực hóa các cam kết tham vọng đã đưa ra năm 2000. Việc các MDG có được hoàn thành hay không không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào mà đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các nước.

Hy vọng tại hội nghị cấp cao lần này ở New York, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa để các cam kết về các vấn đề toàn cầu sẽ không bị lỡ thời hạn chót 2015./.

Đỗ Sinh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục