Cần làm gì để đảm bảo cung ứng điện trong những ngày nắng nóng?

Theo tiến sỹ Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, tình trạng gay gắt trong cung ứng điện ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã đỡ đi phần nào nhưng ở Bắc Bộ thực sự vẫn là thử thách rất lớn.
Cần làm gì để đảm bảo cung ứng điện trong những ngày nắng nóng? ảnh 1Công nhân EVN HA NOI kiểm tra tình trạng vận hành của thiết bị. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo số liệu từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đã liên tiếp lập đỉnh trong những ngày đầu tháng Sáu vừa qua.

Nắng nóng cao điểm cộng thêm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến. Nguy cơ quá tải dẫn đến sự cố cục bộ trên lưới điện lại hiện hữu.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng.

- Đã bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, ông đánh giá thế nào về khả năng cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay?

Tiến sỹ Đoàn Văn Bình: Trong những ngày nắng nóng vừa qua, hệ thống điện Việt Nam liên tục lập kỷ lục về công suất tiêu thụ. Điển hình như ngày 31/5, 1 và 2/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đã đạt đến 41.588 MW, tức là cao hơn năm 2020 khoảng 3.200 MW.

Trong năm 2020, chúng ta đã bổ sung được khoảng 17.000 MW điện chủ yếu là điện Mặt Trời và điện gió nhưng lại tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Vì vậy, tình trạng gay gắt trong cung ứng điện ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã đỡ đi phần nào  nhưng ở Bắc Bộ thực sự vẫn là thử thách rất lớn, nhất là trong những ngày nắng nóng vừa qua.

Với cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, chúng ta đã bổ sung được lượng lớn công suất điện Mặt Trời nhưng trong giai đoạn tới đây nguy cơ thiếu điện cho hệ thống điện quốc gia vẫn rất lớn.

Đặc biệt, cùng những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nếu đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 3 và khoảng 7.000 MW điện gió đã đăng ký vận hành năm nay không kịp tiến độ thì sẽ rất khó khăn cho quá trình cung ứng điện.

- Thời gian qua, sự phát triển nóng của nguồn năng lượng tái tạo đã dẫn tới hiện tượng thừa công suất hay quá tải lưới điện trong từng khu vực. Theo ông, cần làm gì để cân đối các nguồn cung trong cơ cấu điện quốc gia?

Tiến sỹ Đoàn Văn Bình: Thời gian qua, không chỉ các dự án năng lượng tái tạo mà nhiều nhà máy nhiệt điện cũng đã phải tiết giảm công suất phát. Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 khiến nhu cầu điện trong năm 2020 giảm nhiều so với dự kiến.

Thông thường, nhu cầu điện tăng khoảng 10%/năm, có nghĩa là năm 2020 phải tăng hơn so với 2019 khoảng hơn 20 tỷ kWh điện. Tuy nhiên, thực tế năm 2020, nhu cầu điện của hệ thống đã giảm xuống đột ngột ở khoảng mức 13 tỷ kWh.

Một nguyên nhân nữa là quá tải cục bộ ở lưới 110 và 220 kV, đặc biệt ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, cụ thể là Bình Thuận và Ninh Thuận. Đến cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực giải quyết được tình trạng này.

Việc thiếu điện vào những năm 2022-2023 đã được dự báo do các dự án nguồn điện lớn vào chậm tiến độ so với kế hoạch nên các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển rất mạnh. Tuy vậy, khu vực miền Bắc vẫn có nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần.

Vì vậy, giải pháp trong ngắn hạn có thể ứng phó được ngay với tình trạng này theo tôi vẫn nên khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái ở miền Bắc.

[Sắp có đợt nắng nóng mới, tiêu thụ điện dự báo tăng cao đột biến]

Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến cơ cấu về vùng miền đối với việc sản xuất và tiêu thụ điện. Ví dụ những vùng có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị... nên đặt vấn đề cơ cấu lại phát triển các trung tâm công nghiệp để tiêu thụ năng lượng. Bởi lẽ năng lượng tái tạo sẽ phát huy tác dụng cao nhất khi được đặt gần trung tâm tiêu thụ, giảm bớt truyền tải điện và những hệ lụy do sự bất ổn của thời tiết dẫn đến khả năng phát của năng lượng tái tạo không ổn định.

- Có nhiều ý kiến đề xuất nên có chính sách khuyến khích nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện và giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo, từ đó giảm gánh nặng đầu tư cho Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tiến sỹ Đoàn Văn Bình: Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ với các nguồn năng lượng tái tạo là chìa khóa cho sự thành công của toàn bộ quá trình sản xuất và cung ứng điện. Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã rất khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư nguồn điện và hệ thống lưới điện. Tôi rất ủng hộ định hướng này.

Trên thực tế, tư nhân đã tham gia rất mạnh mẽ trong quá trình đầu tư cả nguồn điện và lưới điện trong thời gian vừa qua. Thậm chí đã có những tập đoàn tiên phong đi xây dựng đường dây 500kv để cung cấp điện vào hệ thống.

Tuy nhiên, để cho tư nhân tham gia vào thị trường này một cách mạnh mẽ hơn, theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách đi kèm một cách công khai, minh bạch sao cho khối tư nhân đầu tư vào nguồn điện, lưới điện thấy được khả năng thu hồi vốn và sinh lời rõ ràng. Nhất là phần lưới điện, có những khó khăn không chỉ về vốn mà còn về giải phóng mặt bằng nên các cơ quan quản lý Nhà nước trên các địa bàn cần có động thái khuyến khích, tháo gỡ khó khăn đó.

Cần làm gì để đảm bảo cung ứng điện trong những ngày nắng nóng? ảnh 2Kiểm tra các trạm biến áp, không để quá tải điện. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Về góc độ an ninh năng lượng, hệ thống điện truyền tải nên phân định rõ các điểm nút, xác định các điểm gắn vào với lưới truyền tải xương sống quốc gia; còn từ điểm đó đến các nhà máy phát điện, các khu vực tư nhân đầu tư chúng ta có thể rộng mở cơ hội cho tư nhân, vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.

- Nhiều nhà đầu tư nguồn điện cho rằng để tránh lãng phí công suất khi hệ thống truyền tải đầu tư chưa theo kịp sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thì cần nghiên cứu giải pháp tích trữ năng lượng. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả và tính khả thi của phương án này?

Tiến sỹ Đoàn Văn Bình: Ngay trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo, các tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ. Giá thành công nghệ tích trữ năng lượng cũng đã giảm rất sâu trong thời gian vừa qua.

Do đó, tính khả thi của giải pháp tích trữ năng lượng theo tôi là rất cao và tôi tin rằng tới đây chúng ta sẽ phải sử dụng đến nó. Bởi giải pháp này không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế, giúp khai thác được nhiều hơn nữa sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo mà còn là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo về mặt kỹ thuật, vận hành ổn định của hệ thống điện.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục