Cần làm rõ các quy định về hành vi bị cấm trong quản lý thuế

VCCI cho rằng cần làm rõ định nghĩa về gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế cũng như nhiều quy định khác về công khai minh bạch, làm cơ sở rõ ràng xác định cán bộ thuế vi phạm.
Cần làm rõ các quy định về hành vi bị cấm trong quản lý thuế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Một số hành vi bị cấm trong quản lý thuế theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là chưa rõ ràng. Việc ấn định thuế không giải thích căn cứ dẫn tới tâm lý bức xúc của người nộp thuế cũng là vấn đề được phía đại diện doanh nghiệp đề nghị bổ sung, làm rõ.

Đây là nội dung trong văn bản của VCCI gửi Bộ Tài chính góp ý đối với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) trong đó đề nghị làm rõ nhiều vấn đề.

Lo bị đánh giá là trốn thuế

Trước hết, góp ý về về các nguyên tắc quản lý thuế, đại diện VCCI cho rằng, việc xác định các nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu tên các nguyên tắc, VCCI cho rằng, cần thiết phải có quy định về các nội dung cụ thể của từng nguyên tắc ngay trong luật này.

[Luật Quản lý thuế: Đã theo hướng thân thiện với người kinh doanh?]

Một số nguyên tắc theo đánh giá được doanh nghiệp hết sức quan tâm bởi chúng thể hiện tính tiến bộ, cải cách của dự thảo sửa đổi lần này lại chưa được cụ thể hóa.

Ví dụ nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Phía VCCI cho rằng, điều này có thể hiểu, những gì vướng mắc về hồ sơ thủ tục thì cơ quan thuế không dùng để đánh giá bản chất hành vi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp chỉ sai sót hành chính lần đầu nhưng lại bị đánh giá là hành vi trốn thuế và bị áp dụng các hình thức xử lý quá nặng.

Ví dụ khác là nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người nộp thuế. Theo đại diện VCCI, cần quy định cụ thể minh bạch, công khai như thế nào, đặc biệt là trong khâu tính thuế.

Cũng đề nghị làm rõ là với những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế. Theo VCCI, cần làm rõ định nghĩa về “gây phiền hà, sách nhiễu” đối với người nộp thuế. Việc này nhằm có cơ sở rõ ràng xác định các trường hợp cán bộ thuế vi phạm, từ đó có biện pháp thu thập bằng chứng về hành vi này và báo với các cơ quan có thẩm quyền.

“Mặc dù thực tế vẫn chưa rõ phương thức thông báo, người có thẩm quyền và cách thức giải quyết nếu người nộp thuế gặp trường hợp này như thế nào,” VCCI nêu lên.

Định nghĩa về “cản trở” công chức quản lý thuế thi hành công vụ theo nhận xét cũng cần làm rõ để người nộp thuế tránh vi phạm hoặc biết hành vi vi phạm của mình.

Tương tự, với quyền của người nộp thuế, thực tế cho thấy nhiều cơ quan kiểm tra không giải thích căn cứ ấn định thuế. Việc trên dẫn đến việc doanh nghiệp có tính theo đúng phương pháp mà cơ quan thuế tính vẫn không ra được đúng con số như cơ quan thuế ấn định. Điều này dẫn đến tâm lý bức xúc của người nộp thuế.

“Do đó, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quyền được giải thích căn cứ ấn định thuế,” phía VCCI lên tiếng.

Ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng: Có minh bạch?

Theo văn bản góp ý của VCCI, dự thảo hiện quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế

Quy định này theo VCCI là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì.

“Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế,” VCCI góp ý.

Ngoài ra, quan hệ giữa ngân hàng thương mại và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba.

VCCI cho rằng, các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.

Đặc biệt, trong những thông tin yêu cầu cung cấp, có một phần là mã số thuế của người nộp thuế. Riêng với phần này, phía VCCI bày tỏ “không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin này trong khi đây là cơ quan chủ quản?”

Ngoài ra, không phải trong mọi người hợp khách hàng của ngân hàng cũng có mã số thuế vì vậy yêu cầu như vậy được VCCI đánh giá là không bảo đảm tính khả thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục