Cần làm rõ chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh cần phải làm rõ phần mô hình tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chiều 20/9, cho ý kiến vào báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng tinh thần của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Để triển khai thực hiện Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, đến nay, Chính phủ đã ban hành 21 nghị định, trong đó có 4 nghị định quy định về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với công chức và công chức cấp xã.

Bộ Nội vụ đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn thi hành về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm công chức; 4 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nghị định triển khai Luật viên chức; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành một số văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý và phù hợp với điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình.

Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho các cán bộ làm công tác tổ chức thuộc các cấp, các ngành.

Thẩm quyền tuyển dụng đã có sự phân cấp mạnh và gắn với người sử dụng công chức; hình thức tuyển dụng được đổi mới, linh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng vị trí việc làm và từng vùng miền.

Tính đến hết năm 2012, số lượng cán bộ, công chức được tuyển dụng là trên 525 nghìn người, bao gồm trên 2.200 tiến sỹ, 19.660 thạc sỹ, 275.600 cử nhân đại học. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một bước, 24,8% có trình độ đại học trở lên; tỷ lệ đã đào tạo về quản lý nhà nước là 66%.

Việc tuyển dụng viên chức đã kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng đến năng lực, phẩm chất đạo đức. Một số chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại tuyến cơ sở, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho rằng qua 3 năm thực hiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập xung quanh công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm.

Mặc dù Luật cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 nhưng trong một thời gian dài vẫn phải áp dụng văn bản quy định về tiêu chuẩn các ngạch công chức hành chính đã ban hành từ năm 1993, không phù hợp với công tác tuyển dụng, nâng ngạch.

Việc tuyển dụng viên chức hiện nay vẫn chú trọng đến bằng cấp và kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, các nội dung thi tuyển chưa thật sự phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến năng lực và kỹ năng xử lý vấn đề của người được tuyển dụng; chất lượng đào tạo ở một số trường chưa cao, chưa gắn lý luận và thực hành nên dẫn đến chất lượng công tác chuyên môn của một số viên chức sau khi được tuyển dụng còn hạn chế.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước cho rằng công tác tuyển dụng, bổ nhiệm còn nặng về bằng cấp mà chưa có cơ sở để đánh giá năng lực thực tiễn. Nhiều ngành không thực hiện nghiêm túc việc định biên, dư thừa cán bộ nhưng vẫn tuyển dụng thêm.

Tình trạng “phình” cán bộ lãnh đạo ở cấp Cục, Tổng cục đang có xu hướng gia tăng. Bình đẳng giới và bình đẳng giữa các dân tộc trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm chưa được đảm bảo. Công tác bổ nhiệm còn loằng ngoằng.

Cho rằng việc tăng số lượng biên chế cán bộ công chức là hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh cần phải làm rõ phần mô hình tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm hiện còn nặng về hình thức, quên đi thực tiễn năng lực của cán bộ. Nhìn nhận cán bộ có rất nhiều bằng cấp nhưng giao cho một việc cụ thể lại không đạt yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách này băn khoăn thực trạng bộ máy và hiệu suất làm việc như hiện nay, không biết có thể cải cách tiền lương được không; đồng thời đề xuất tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức phải từ năng lực thực tế của con người, cần có tư duy đột phá mô hình tổ chức hiện nay.

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý xem lại tiêu chí tuyển thẳng đối với các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc.

Từ lập luận các trường cao đẳng đua nhau nâng cấp lên đại học, chất lượng đào tạo giữa các trường công lập, dân lập không đồng đều, ông Đào Trọng Thi đề nghị cần cẩn trọng với chất lượng thật của các trường, xem xét kỹ về nguồn tuyển. Nếu mặc nhiên quy định sinh viên loại xuất sắc được tuyển thẳng thì sinh viên khối trường dân lập sẽ trúng hết, còn sinh viên trường công lập sẽ bị loại ra. Ông cũng đưa ra một thực tế bất hợp lý là chúng ta chấp nhận tuyển thẳng tất cả các sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc ở trong nước nhưng lại yêu cầu sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài phải thuộc các trường trong Top 200 trường đại học hàng đầu thế giới nghĩa là gần như loại toàn bộ các em đi học nước ngoài, trong khi về cơ bản các trường đại học nước ngoài không kém Việt Nam.

Ông Đào Trọng Thi cho rằng không thể có một tiêu chí để quy định chung cho tất cả các đối tượng cho các ngành khác nhau, cơ quan khác nhau, cần cân nhắc kỹ thêm để chọn được người tài. Đồng thời, tránh trường hợp một số địa phương đưa ra chính sách hấp dẫn để thu hút người tài nhưng không bố trí việc làm khiến họ chán và ra đi, thu hút nhân tài theo kiểu hình thức, phong trào, từng cơ quan phải xác định có nhu cầu hay không, có điều kiện để đối tượng phát triển tài năng không, đãi ngộ họ như thế nào.

Giải đáp băn khoăn của Thường vụ Quốc hội về số lượng cán bộ, công chức không làm được việc, Bộ trưởng Bộ Nội Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo, phân tích số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Hiện chưa có số liệu tổng hợp nhưng qua báo cáo tự đánh giá của một số nơi, số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%. Con số cụ thể sẽ được công bố vào cuối tháng 9 này.

Về vấn đề có hay không những tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Trưởng đoàn giám sát cho biết đã yêu cầu Chính phủ báo cáo vấn đề này, Bộ Nội vụ đã hứa sẽ cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý hiện tượng trên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Bộ Nội vụ đã xây dựng Chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng, đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành trong quý IV năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý báo cáo giám sát phải đánh giá kỹ việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, từ đó kiến nghị cơ chế tuyển dụng cho tốt đối với từng loại công chức, viên chức.

Để tuyển dụng, bổ nhiệm được người có đức, có tài, phải chống tiêu cực từ bên trong. Không đổi mới công tác tổ chức cán bộ, không tìm kiếm được người vừa hồng, vừa chuyên, sự nghiệp đổi mới của Đảng sẽ không thành công./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục