Cần làm rõ cơ quan quản lý về viễn thông

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông, thanh tra viễn thông và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích là những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật viễn thông, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong chiều 20/4, tại Phiên họp thứ 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông, thanh tra viễn thông và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích là những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật viễn thông, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong chiều 20/4, tại Phiên họp thứ 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trình bày, dự thảo Luật Viễn thông gồm 6 chương, 66 điều, trong đó một số nội dung quan trọng như mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động viễn thông; đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động quản lý viễn thông.

Ngoài ra, còn có một số nội dung khác như áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý tài nguyên viễn thông; bảo đảm môi trường kinh doanh viễn thông cạnh tranh công bằng, minh bạch, công khai; bảo đảm phổ cập dịch vụ viễn thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và thực hiện các nhiệm vụ công ích do nhà nước giao; bảo đảm việc quy hoạch, xây dựng và phát triển công trình viễn thông một cách bền vững.

Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với sự thay đổi của thị trường, công nghệ và luật pháp chung; thể chế hóa các quan điểm, cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là về kinh tế thị trường, cải cách hành chính để thúc đẩy cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực viễn thông.

Ủy ban cũng bổ sung và nhấn mạnh một số nội dung như xu thế phát triển viễn thông theo hướng hội tụ hóa mạnh mẽ giữa viễn thông, truyền thông và công nghệ thông tin đòi hỏi sự thống nhất của môi trường pháp lý cũng như trong công tác quản lý để tạo điều kiện cho công nghệ và dịch vụ hội tụ có cơ hội phát triển.

Đồng thời, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện bao quát, cụ thể và sâu sắc hơn một số quan điểm, mục tiêu như xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; thu hút nguồn lực để phát triển hạ tầng viễn thông; phân định rõ các hoạt động công ích; chính sách quản lý tài nguyên viễn thông quốc gia; chính sách bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông; trách nhiệm của cơ quan quản lý viễn thông.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh, phân định rõ hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật viễn thông với cơ quan hoạch định chính sách viễn thông là cần thiết. Dự thảo Luật nên có quy định cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, còn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan này sẽ do Chính phủ quy định.

Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, ông Minh cho rằng dự thảo cần thể hiện rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin - Truyền thông trong việc xây dựng và quản lý Quỹ này, thẩm quyền thành lập quỹ, phương thức huy động tài chính.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng một số vấn đề khác cũng cần xem xét như mở rộng phạm vi tham gia cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông - quyền và nghĩa vụ đến đâu; phí và lệ phí cấp giấy phép viễn thông.

Ông Thuận cũng cho rằng một số vấn đề khác cần quan tâm như quản lý nhà nước về viễn thông; quy định từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến độc quyền; bồi thường thiệt hại; quy định về đền bù khi thu hồi tài nguyên viễn thông mang nặng tính hành chính áp đặt.

Cuối buổi họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện tái định cư dự án xây dựng công trình Thủy điện Sơn La./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục