Cần làm rõ trách nhiệm trong giải quyết nợ đọng văn bản pháp luật

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu về giải quyết tồn đọng về việc xây dựng văn bản pháp luật.
Cần làm rõ trách nhiệm trong giải quyết nợ đọng văn bản pháp luật ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đăng đàn trả lời chất vấn vào chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013, việc giải quyết tồn đọng về việc xây dựng văn bản pháp luật, giải quyết những tồn tại trong công tác thi hành án dân sự và các giải pháp khắc phục.

Nợ đọng văn bản, thủ tục nhiêu khê

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng nợ đọng văn bản, các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành đang có văn bản nợ đọng.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết tính đến 10/6, Bộ còn nợ tổng số 50 văn bản, tương đương 19,9% trên tổng số văn bản cần ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Con số này đã có bước tiến so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6 là 22,44%.

Bộ trưởng cũng thừa nhận chưa có chế tài để xử lý vấn đề này, nhưng một số Bộ, ngành đã có những biện pháp chấn chỉnh tích cực, như không xem xét thêm tặng danh hiệu thi đua, chưa cất nhắc đề bạt cán bộ liên quan để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản. Không đưa ra lời hứa giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Cường khẳng định sẽ quyết tâm đến mức cao nhất.

Đồng tình với nhận định của đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) về những nhiêu khê trong thủ tục phát mãi tài sản thế chấp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận đây là những vấn đề gây tắc nghẽn, phi thị trường.

Theo Bộ trưởng, tài sản phải gắn với thị trường, việc đánh giá tài sản để bán đấu giá thế nào là câu chuyện cần phải bàn. Hiện nay, chúng ta chưa xã hội hóa hoàn toàn khâu đánh giá giá trị để đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất thận trọng trong việc đánh giá, Luật thi hành án dân sự quy định rất phức tạp, cho người chủ sở hữu có tài sản bị bán đấu giá có quyền yêu cầu đánh giá đi, đánh giá lại, không thừa nhận kết quả đấu giá nên đã kéo dài thời gian phát mãi tài sản, ảnh hưởng đến giá trị tài sản ở thời điểm đó.

Nói về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng cho biết vừa trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, trong đó quy định người chủ sở hữu chỉ có quyền yêu cầu bán đấu giá lại một lần và sẽ cố gắng xã hội hóa để các công ty phải định giá.

Văn bản tạo ra rào chắn pháp lý đối với người dân, doanh nghiệp, còn nhiều văn bản không hợp hiến, thiếu thống nhất, đồng bộ, thiếu sự phù hợp giữa các dự án luật với tinh thần nội dung của Hiến pháp năm 2013… là những vấn đề được các đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn người đứng đầu ngành Tư pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng về nguyên tắc văn bản không được trái với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và càng không được trái Hiến pháp.

Bên cạnh việc mong nhận được sự “thông cảm” cho những văn bản ban hành sai, Bộ trưởng cũng cho biết có những văn bản đã ban hành nhưng cũng có những văn bản mới là dự thảo để lấy ý kiến, khi có phản ứng của dư luận, các bộ, ngành đều có tiếp thu và chỉnh lý ngay.

Theo tinh thần thượng tôn pháp luật, việc ban hành văn bản chậm làm vô hiệu hóa điều khoản cụ thể của luật, pháp lệnh là trách nhiệm lớn, phải kiểm điểm rõ hơn nữa.

Quan ngại về lợi ích riêng trong văn bản quy phạm pháp luật

Nêu thực tế Bộ Tư pháp vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng tình trạng này đã khiến cho chính sách không được làm rõ, khi triển khai thực hiện không đạt được kết quả như mong muốn.

Các bộ có xu hướng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có lợi cho mình, nặng về quyền nhưng nhẹ về trách nhiệm, trong khi Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì điều phối, rà soát lại dường như nể nang...

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trước khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đều phải tổng kết văn bản đang có hiệu lực, nếu tổng kết nghiêm túc sẽ phát hiện ra các vấn đề còn tồn tại để có hướng xây dựng chính sách mới phù hợp hơn.

Việc chưa có sự đánh giá, vừa thi công, vừa thiết kế sẽ là không hợp lý. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ Luật sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đang dự thảo theo hướng tách giai đoạn làm chính sách trước, giai đoạn viết văn bản sau. Giai đoạn làm chính sách sẽ có sự tham gia chủ yếu của các chuyên gia, nhà chính trị, đại biểu Quốc hội, giai đoạn kỹ thuật viết văn bản chủ yếu là các chuyên gia về Luật tham gia.

Trước những quan ngại của đại biểu về hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên.

Quy trình này được thực hiện rất chặt chẽ, phải có ban soạn thảo, có ý kiến của bộ, ngành chủ quản và thẩm định của các bộ, ngành khác, đăng tải lên cổng thông tin điện tử trong thời gian 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận loại văn bản là các thông tư, thông tư liên tịch được giao cho các tổ chức pháp chế bộ ngành thẩm định thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề, được dư luận và cử tri quan tâm.

Trên thực tế, cũng có xu hướng không quản lý được thì cấm, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý hơn là tạo thuận lợi cho người dân ở một số lĩnh vực, một số văn bản. Vấn đề này đang được Bộ xem xét một cách rất thận trọng, thường xuyên yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm thủ tục hành chính. Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và báo cáo Chính phủ đề án thí điểm kiểm soát cách thức các thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trên một số lĩnh vực gắn chặt với lợi ích người dân.

Tuy nhiên, việc này phải chờ đến cuối năm 2014, khi Chính phủ trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới sẽ kiến nghị để có cơ chế kiểm soát tập trung, tránh những vấn đề cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cơ quan, lợi ích cục bộ.

Không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục chất vấn thêm vấn đề không cài đặt lợi ích riêng của các bộ, ngành thì thực chất của việc soạn thảo các văn bản pháp luật thường rất quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy hay các quỹ hoặc thủ tục hành chính là gì?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận có câu chuyện khi xây dựng luật, pháp lệnh, một số cơ quan có mong muốn cài tổ chức bộ máy vào đó, có tranh thủ “nọ,” “kia.” Bộ luôn cảnh báo và cố gắng hết sức để tránh những việc như vậy. Về nguyên tắc, Chính phủ đã ra nghị quyết và trong các luật, pháp lệnh cũng đã nhắc lại không cài tổ chức bộ máy khi soạn thảo các văn bản pháp luật.

Cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) liên quan đến việc kỷ luật cán bộ công chức, lãnh đạo cấp Cục, Chi cục làm nhiệm vụ thi hành án, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, năm 2013, số cán bộ công chức, lãnh đạo cấp Cục, Chi cục bị Bộ Tư pháp kỷ luật cao hơn so với năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2014 cũng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều đó chứng minh Bộ Tư pháp đang thực hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án trong sạch; xử lý nghiêm những cán bộ không giữ gìn được đạo đức nghề nghiệp.

Cũng với câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh về công tác thực thi pháp luật hiện còn nhiều yếu kém và giải pháp của Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thực thi pháp luật phải bắt đầu từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đến vấn đề tổ chức thi hành pháp luật cũng như sự gương mẫu của cán bộ công chức, đảng viên và việc xử lý nghiêm minh, thậm chí cả vấn đề cán cân công lý của tòa án. Muốn thực hiện được điều đó, cần có một lộ trình rõ ràng.

Xung quanh chất vấn của đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp, luật gia, luật sư trong việc tư vấn pháp lý, nhất là tham gia tố tụng tại các cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; kế hoạch của Bộ Tư pháp trong việc tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp thời kỳ hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng trình độ luật gia, luật sư của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là tham gia vào những tổ chức tài phán quốc tế là một bức tranh buồn. Đánh giá của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa qua cho thấy chỉ có 0,03% luật sư có trình độ tư vấn bằng tiếng Anh cho các nhà đầu tư nước ngoài, chưa thể đạt được trình độ ngang bằng với các luật sư thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục