Cần lập tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mang tính xã hội hóa.
Sáng 17/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 tiếp tục Phiên họp 30, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm 8 Chương, 66 Điều.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm nâng cao tính khả thi, minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế và các thiết chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức này sẽ hoạt động theo phương thức tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, mang tính xã hội hóa và chỉ được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động cho những hoạt động được Nhà nước ủy quyền thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi; Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ công như dịch vụ giáo dục, y tế...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba góp ý cần thiết bổ sung quy định giao cho một cơ quan Nhà nước có đủ khả năng, thẩm quyền điều tra chứng minh thiệt hại và khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì các hiệp hội đang còn hạn chế về năng lực hoạt động. Bà Thu Ba đề xuất phương án có thể giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân thực hiện nhiệm vụ này.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề quy định về hòa giải, giải quyết tranh chấp; thủ tục trình tự giải quyết tranh chấp tại tòa án; tiền và án phí, tạm ứng án phí, lệ phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ...

Tổng kết ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh Dự luật cần được chỉnh sửa theo hướng làm rõ hơn về quy định trách nhiệm Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả quyền, trách nhiệm người tiêu dùng tự bảo vệ mình.

Các quy định về hình thức giải quyết tranh chấp cần được thể hiện theo hướng đa dạng hóa phương thức giải quyết; việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính Nhà nước cần được quy định rõ phạm vi giải quyết.

Việc quy định trình tự giải quyết tranh chấp tại tòa án; hoạt động xét xử rút gọn tại tòa án cần được nghiên cứu đảm bảo tính hiệu quả của Luật trong thực tế mà không trái các quy định của pháp luật khác có liên quan. Dự thảo luật cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến hiệu lực thi hành luật.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Bộ Công Thương và ban soạn thảo dự án luật tiếp thu ý kiến đóng góp của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh tờ trình, Dự luật và chuẩn bị Nghị định hướng dẫn Luật để trình Đại biểu Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày một gia tăng cả về số lượng và chất lượng, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng.

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Từ năm 2004 đến năm 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người bị mắc và 321 người tử vong./.

Xuân Khu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục