Cần một chiến lược để mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi

Thách thức của già hóa dân số đang có gánh nặng đối với hệ thống y tế Việt Nam. Bởi hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế.
Cần một chiến lược để mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ảnh 1Bác sỹ khám chữa bệnh cho người già tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Giáo sư Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, thách thức của việc già hóa dân số đang đặt một gánh nặng lên hệ thống y tế Việt Nam. Bởi hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược dài để tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi...

Phát biểu tại hội thảo xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam tổ chức sáng 26/5 tại Hà Nội, giáo sư Thắng nhấn mạnh, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện nay, ngành y tế đang thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu bác sỹ chuyên khoa lão khoa, thiếu điều dưỡng lão khoa. Đặc biệt, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đang ngày càng giảm. Do vậy, việc chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho biết, số lượng người cao tuổi ở Việt Nam tăng nhanh, chiếm khoảng 10% tổng dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 73 tuổi.

Việt Nam là một trong các nước có tốc độ già hóa rất nhanh, thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều nước trên thế giới (khoảng 17-20 năm).

Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng nhấn mạnh, người cao tuổi ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, với hơn 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, không có lương hưu hoặc tiền để dành. Đặc biệt, có 95% người cao tuổi có sức khỏe kém, tỷ lệ được khám chữa bệnh định kỳ còn thấp, thiếu hiểu biết về phòng bệnh. Hiện nay, có tình trạng đa số người cao tuổi bị bệnh nặng mới đi khám chữa bệnh nên rất tốn kém, trong khi đó có khoảng 30% người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế...

Giáo sư Thắng chỉ rõ, với mỗi người già hiện nay, chi phí y tế cho họ cao gấp 7-10 lần người trẻ và họ thường sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Bên cạnh đó, xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng cũng là một nhân tố làm gia tăng chi phí y tế.

Hiện nay ở Việt Nam hệ thống bệnh viện còn nhiều yếu kém, trong số 15 tỉnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương thống kê chỉ có 2 trong tổng số 15 bệnh viện tỉnh có khoa lão, 6 trên 15 bệnh viện ghép khoa lão với các khoa khác...

Thông qua hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế thảo luận đánh giá thực trạng tình hình già hóa dân số ở Việt Nam, tham khảo các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại bệnh viện, các mô hình dưỡng lão tại Pháp để bổ sung hoàn thiện chính sách về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Về giải pháp, đa số các đại biểu đều cho rằng cần phải nâng cao năng lực của hệ thống y tế về chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam như việc đưa lão khoa vào danh mục các lĩnh vực ưu tiên, thành lập khoa lão tại các bệnh viện để tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh, tăng cường và dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi...

Bên cạnh đó, ngành y tế cần đẩy mạnh việc đào tạo thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa và tăng cường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục