Cần một cơ chế mới cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Quỹ bình ổn không nên đặt ở DN mà giải pháp thiết thực nhất là giảm độc quyền, quy định công khai, minh bạch, dễ kiểm soát và ít đầu mối.

Hội thảo về Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay do Bộ tài chính tổ chức sáng 20/9, đã thực sự nóng khi những vấn đề về công tác điều hành của Nhà nước hay quỹ bình ổn giá được đưa ra bàn luận.


Không thể “buông” giá xăng dầu

Đánh giá lại công tác điều hành trong thời gian qua, thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú thẳng thắn, chúng ta đang điều hành theo kiểu không biết mục tiêu là gì, chỉ quan tâm tới giá mà không quan tâm tới lỗ-lãi của doanh nghiệp.

Cá nhân ông Tú cho rằng, phải coi xăng dầu là hàng hóa và tự do hóa từng bước thị trường xăng dầu, cho doanh nghiệp có quyền quyết định giá.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá cũng thừa nhận, hiện nay, giá xăng dầu chưa hoàn toàn được vận hành theo cơ chế thị trường mà còn mang nhiều dấu ấn can thiệp của Nhà nước bằng cả các biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thỏa, sở dĩ như vậy do có nguyên nhân khách quan là tình hình lạm phát tăng cao, nếu để giá xăng dầu trong nước tăng liên tục theo giá thế giới sẽ tác động đẩy mặt bằng giá tăng. Vì thế, cần phải có sự can thiệp của Nhà nước đối với giá cả mặt hàng này.

Thế nhưng, Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết việc điều hành giá như vậy chỉ là những biện pháp tình thế và nó sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho sản xuất, kinh doanh. "Hậu quả sẽ là, hệ thống giá không phản ánh đúng giá trị thị trường và tạo cơ hội cho nạn buôn lậu xăng dầu hoạt động," ông Thỏa nói.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chúng ta chưa thể  để giá xăng dầu hoàn toàn theo thị trường.

“Thử hình dung thị trường hoàn toàn tự do và sẽ ra sao nếu ba công ty xăng dầu lớn chiếm 90% thị phần trong nước là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro "đi đêm" với nhau. Thị trường sẽ thế nào nếu ở một nơi nào đó, người ta không có quyền lựa chọn mua xăng dầu của nhà phân phối này hay nhà phân phối khác?” Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt câu hỏi.

Bởi thế, theo Bộ trưởng, kiên trì nguyên tắc điều hành giá theo thị trường, nhưng phải có sự quản lý  của Nhà nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, liều lượng và lộ trình đưa ra phải thích hợp với các mục tiêu của kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

Quan trọng hơn nữa, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ là vấn đề minh bạch về chính sách và thông tin. Nếu minh bạch về chính sách là trách nhiệm của Nhà nước thì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải minh bạch về thông tin. Về điều này, theo Bộ trưởng, cần có sự công bằng, ai vi phạm thì phải kiên quyết xử lý.

Quỹ bình ổn giá: Công khai, minh bạch

Sự tồn tại của quỹ bình ổn giá cũng là một vấn đề được quan tâm nhiều trong cuộc hội thảo. Câu hỏi Bộ trưởng Vương Đình Huệ đặt ra cho những đại biểu trong hội thảo xoay quanh vấn đề, vị trí, vai trò của quỹ bình ổn trong thời gian qua ra sao, liệu sự hoạt động của quỹ này còn những bất cập gì?

Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nếu không có công cụ Quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ông Thỏa lấy ví dụ, nếu không có Quỹ bình ổn để sử dụng thì trong khoảng 5 tháng từ tháng 10/2010 đến tháng 2/2011, giá xăng đã phải điều chỉnh ít nhất 4 lần, mỗi lần tăng khoảng 500 đồng/lít. Vì thế, theo ông Thỏa, việc hình thành và sử dụng Quỹ là cần thiết và đây là biện pháp có hiệu quả.

Đồng tình với vai trò nhất định của Quỹ bình ổn, tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang bộc lộ những bất cập.

Ông Phong nhấn mạnh việc ủy thác quản lý thu, trích lập và chi dùng Quỹ cho doanh nghiệp có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ. Bởi thế, việc cần làm hiện nay theo ông Phong là bãi bỏ ngay cơ chế quản lý Quỹ vì vừa yếu, vừa thiếu năng lực và trách nhiệm pháp lý.

“Phải coi Quỹ này là Quỹ quốc gia và phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý Nhà nước, tốt nhất là Bộ Tài chính hoặc Bộ Công thương,” ông Nguyễn Minh Phong cho biết.

Đồng tình với quan điểm của ông Phong, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền khẳng định, bản thân bà không cực đoan đòi xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng bà cho rằng, không nên đặt quỹ ở doanh nghiệp. Theo bà, giải pháp thiết thực nhất là giảm độc quyền, quy định công khai, minh bạch, dễ kiểm soát và ít đầu mối.

Ghi nhận những ý kiến của hội thảo, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quỹ bình ổn giá với thời điểm hiện tại là cần thiết. "Nếu do giá Nhà nước điều hành mà doanh nghiệp lỗ thì Nhà nước sẽ bù đắp nhưng chỉ với những chi phí hợp lý. Nếu doanh nghiệp kêu lỗ nhưng thực sự không như thế hoặc bảo lỗ nhiều nhưng thật ra lỗ ít thì cũng không thể bù lỗ được," Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, Quỹ bình ổn sẽ cần có cơ chế khác. Cơ quan nào sẽ giữ quỹ này, vấn đề bảo toàn tăng trưởng ra sao, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tổng kết./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục